Phát biểu tại Tehran, Phó Tổng giám đốc IMF, ông David Lipton, cho rằng: “Yêu cầu đầu tiên và cơ bản nhất để tiếp cận thị trường quốc tế là phải duy trì chính sách kinh tế vĩ mô thuận lợi để được đánh giá tín nhiệm tốt... đồng thời tạo dựng một môi trường hứa hẹn triển vọng tăng trưởng cao hơn cho nền kinh tế”.
Cửa đã mở,vốn chưa vào
Ông Lipton cũng khẳng định Iran hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của IMF để thiết lập một cơ chế giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Ông Lipton là quan chức cấp cao đầu tiên của IMF đến thăm Iran kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn cho chính phủ ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani khi phải xoay sở đủ cách để thu hút đầu tư nước ngoài cho dù đã được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Iran, một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới chưa được khai thác, đã mở toang cánh cửa nhưng dường như dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước này vẫn khá dè dặt.
Các ngân hàng lớn của phương Tây chưa “dám” tiếp nhận những giao dịch liên quan đến cá nhân, tổ chức Iran và tỏ ra thận trọng trong việc thiết lập quan hệ kinh doanh với quốc gia này với lý do là lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn sót lại rải rác.
Trước tình hình đó, một số quan điểm chính trị đối lập đã lên tiếng công kích Tổng thống vì ông đặt bút ký vào một thỏa thuận hạt nhân mà chẳng đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế. Suốt từ năm 2011 đến nay, Iran vẫn ngụp lặn trong suy thoái kinh tế với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới 26%.
Cộng đồng doanh nghiệp Iran hy vọng chuyến thăm của đại diện cấp cao IMF có thể thổi luồng sinh khí tích cực, gây thêm sức ép vô hình buộc chính quyền Mỹ sớm có biện pháp giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Lipton đã phải “thanh minh” ngay lập tức rằng ông không có vai trò gì trong việc trao đổi với Mỹ về các biện pháp trừng phạt. Mặc dù vậy, vị Phó Tổng Giám đốc IMF cũng thừa nhận đã nghe được nhiều lời phàn nàn từ phía các quan chức và ngân hàng Iran về việc gặp khó khăn khi muốn kết nối trở lại với hệ thống ngân hàng quốc tế cũng như khôi phục các giao dịch xuyên biên giới.
![]() |
Iran cũng cần giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm
Cải cách nối tiếp cải cách
Tính đến thời điểm này, Iran đã triển khai được một số cải cách bước đầu để đập bỏ bức tường vô hình đang cô lập quốc gia này. Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chống tài trợ khủng bố với hy vọng có thể xóa bớt một trong những chướng ngại vật đang cản trở quá trình nối lại liên lạc giữa các ngân hàng Iran với cộng đồng ngân hàng thế giới.
Tuy nhiên, ông Rouhani từng không ít lần tuyên bố rằng cải cách chính trị và kinh tế mới là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong những vướng mắc lớn nhất là tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động “phá rào” nhưng được chống lưng bởi các lực lượng quân sự và tôn giáo đầy quyền lực, khiến nhà đầu tư nước ngoài rất ngại. Họ ngại vì lo mình “thiếu hiểu biết” mà vô tình hợp tác làm ăn với những tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, để rồi bị vạ lây.
Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) cũng đã phải vào cuộc cùng với chính phủ bằng những nỗ lực ổn định thị trường tiền tệ và cải cách khu vực ngân hàng, vốn đang tồn tại một vài “con sâu” là các định chế tài chính phi pháp và một khối nợ xấu lớn chờ giải quyết. Thành tích đưa lạm phát từ 40% xuống còn khoảng 11% trong vòng có ba năm của CBI khiến ông Lipton cảm thấy rất ấn tượng.
Đại diện IMF cũng nhận định nền kinh tế Iran đang phát triển với tốc độ “hợp lý”, song quá trình cải cách ngành ngân hàng không được dừng lại và khu vực tư nhân cần tiếp tục nâng cao vai trò và đóng góp của mình.
Ông cũng gợi ý Iran nên giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ và chuyển dịch cơ cấu sang các lĩnh vực khác để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm.
Hải Châu