Cuộc chiến pháp lý xung quanh Herbalife được châm ngòi sau khi tỷ phú Bill Ackman, người điều hành công ty quản lý quỹ Pershing Square, lên tiếng nghi ngờ về tính hợp pháp của Herbalife.
Mô hình đa cấp – kim tự tháp
Tập đoàn Herbalife chuyên cung cấp các sản phẩm giảm cân, thức uống dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung thông qua mạng lưới hàng triệu nhà phân phối độc lập rải khắp hơn 80 quốc gia trên thế giới. Trước khi FTC quyết định tiến hành điều tra thì đại diện người tiêu dùng và các thành viên Quốc hội Mỹ, trong cả hai viện, đã không ít lần thúc giục.
Herbalife xác nhận đã nhận được bản Yêu cầu điều tra dân sự từ FTC; và ngay lập tức hồi âm trong một tuyên bố chính thức của mình: "Herbalife hoan nghênh cuộc điều tra trong bối cảnh có quá nhiều thông tin sai lệch trên thị trường. Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ với FTC và tin tưởng rằng Herbalife đã nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Herbalife là một công ty gặt hái được thành công và có nền tảng tài chính mạnh mẽ, tạo ra giá trị cho cổ đông, tạo ra cơ hội cho nhà phân phối và ảnh hưởng tích cực đến đời sống và sức khỏe của người tiêu dùng trong hơn 34 năm qua".
Kể từ khi tỷ phú Ackman lên tiếng quy kết Herbalife áp dụng mô hình đa cấp (hay còn gọi là mô hình kim tự tháp), cổ phiếu của công ty này có thời điểm chạm đáy 27 USD nhưng sau đó phục hồi lên trên 80 USD hồi tháng 01/2014 khi giới đầu tư bắt đầu hoài nghi về khả năng chính quyền Mỹ sẽ nhảy vào cuộc.
Khu vực Bắc Mỹ chỉ chiếm không tới 1/5 doanh số bán hàng của Herbalife trong năm 2013 nhưng phần lớn cấp quản lý và những nhà phân phối "gần đỉnh tháp" nhất đều tập trung ở Mỹ.
![]() |
Bán hàng kiểu "kim tự tháp" là khái niệm để chỉ mô hình kinh doanh trong đó phần lớn lợi nhuận trong hệ thống được tích luỹ từ quá trình tuyển dụng nhân sự mới vào hệ thống, chứ không phải nhờ doanh số bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Giống như mô hình Ponzi, mô hình kim tự tháp đòi hỏi số lượng "tân binh" gia nhập phải ổn định liên tục, và gần như tất cả bọn họ đều sẽ mất tiền, không ít thì nhiều.
Rà soát toàn bộ cơ cấu
Trong mô hình Ponzi, người cầm đầu sẽ thu vốn của người A, rồi của người B, rồi C, D... Trong quá trình thu vốn của nhiều người khác nhau, người cầm đầu sẽ lấy tiền thu được từ B để trả cho A, nói là đầu tư có lãi, chia phần cho họ; rồi lại lấy tiền mới thu được của C để trả cho B, nói là đầu tư có lãi nên chia cho họ. Cứ lấy tiền của nhóm sau trả cho nhóm trước, nói là đầu tư có lãi. Và đối tượng chủ yếu là những người có thu nhập thấp nhưng mong muốn làm giàu nhanh chóng.
Theo một số nguồn tin từ FTC thì quá trình điều tra về bán hàng đa cấp thường mất từ 12 đến 18 tháng. Đối với trường hợp của Herbalife thì sẽ bắt đầu bằng việc rà soát cơ cấu tiền "hoa hồng" và thu nhập để xem liệu có phải nó phụ thuộc chủ yếu vào khâu "mồi chài tân binh" hay không.
Sau đó FTC sẽ điều tra sâu hơn về cơ chế bảo vệ quyền lợi của những người này, tìm kiếm bằng chứng cho thấy các công cụ bảo vệ đó được thực thi và Herbalife thực sự có phát sinh doanh thu bán hàng đáng kể từ việc bán sản phẩm cho khách hàng bên ngoài mạng lưới các nhà phân phối.
Trong khuôn khổ luật pháp Mỹ thì FTC có quyền hạn đủ lớn để yêu cầu một công ty thuộc diện điều tra phải cung cấp đầy đủ dữ liệu về doanh số bán hàng cũng như cấu trúc mạng lưới của mình.
Mặc dù FTC là một cơ quan dân sự, tức là chỉ đủ thầm quyền đưa ra phán quyết dân sự, song cơ quan này vẫn có thể phối hợp cùng các công tố viên cấp liên bang và tiểu bang nếu xét thấy có dấu hiệu gian lận hình sự. Dù sao thì cuộc điều tra về Herbalife vẫn đang ở giai đoạn đầu và hẳn sẽ mất không ít thời gian trước khi có bất kỳ biện pháp xử lý nào được đưa ra.
Hùng Anh