![]() |
Voith sẽ nhận được khoảng 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) thông qua thương vụ này. Giám đốc điều hành Kuka - ông Till Reuter, cũng nói thêm là các nhân viên của nhà máy sẽ được bảo đảm việc làm cho đến cuối năm 2023.
Việc Kuka có thể thuộc sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc đã gây quan ngại cho một số chính trị gia hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel. Ông từng nỗ lực tìm kiếm một tổ chức khác thuộc châu Âu sẵn sàng mua lại Kuka, nhưng không thành công.
Lời đề nghị mua lại cổ phần của Midea, nhà sản xuất thiết bị lớn nhất của Trung Quốc, sẽ được xem xét khoảng 4 tuần, kể từ khi thông tin chào bán cổ phần được công bố vào ngày 16/6. Vào ngày 18/5, Midea cũng từng công bố họ đã sở hữu 13,5% cổ phần của Kuka và muốn tăng tỷ lệ này lên ít nhất là 30%. Midea đã cam kết sẽ giúp Kuka vượt qua mục tiêu về doanh thu trong năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực robot giúp việc tại hộ gia đình.
Cổ phiếu của Midea đã tăng 0,9% và đạt mức 24,3 Nhân dân tệ/cổ phiếu, tại sàn giao dịch Thâm Quyến ngày 3/7. Trong khi đó, cổ phiếu của Kuka cũng đã tăng 26% kể từ khi thỏa thuận với Midea đã được công bố ngày 18/5, hiện ở mức 106,65 euro cho mỗi cổ phiếu.
Midea muốn chuyển áp dụng dây chuyền sản xuất với công nghệ robot và hướng tới việc cắt giảm 80.000 nhân viên vào năm 2018. Hiện nay, công ty này đã có 100 robot Kuka hoạt động trong các nhà máy của mình.
Hubert Lienhard - Giám đốc điều hành Voith, tập đoàn gia đình hiện là cổ đông lớn nhất của Kuka cho biết thương vụ sẽ mang lại những khoản đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Chí Hiếu