Nhóm các ngân hàng trên đã tiến hành một quy trình tuyển chọn kỹ lưỡng để tìm nhà cung cấp công nghệ và cuối cùng lựa chọn công ty công nghệ CGI, có trụ sở tại Canada.
Sản phẩm mà CGI chào thầu là Trade360, một nền tảng phần mềm như một dịch vụ (SaaS) mà nhiều tổ chức tài chính lớn đang sử dụng, như ANZ, Scotiabank, BMO hay ngân hàng quốc gia Canada.
Liên thông để giảm thiểu rủi ro
Phiên bản thử nghiệm của TIN hiện đã hoàn tất và CGI sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển mạng lưới này trong thời gian tới.
Dự kiến, nhóm 7 ngân hàng trên sẽ chính thức giới thiệu quảng bá về TIN tại hội nghị SIBOS ở Sydney (Australia) vào ngày 22/10 tới. Sau khi đi vào hoạt động, TIN sẽ trở thành mạng lưới đa ngân hàng toàn cầu đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực tài chính thương mại và được kỳ vọng có tiềm năng làm thay đổi diện mạo của thương mại quốc tế.
Thông thường, trong tài chính thương mại, các ngân hàng đều tham gia cung cấp vốn tín dụng và các dịch vụ khác cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng ngân hàng nào biết ngân hàng đó và mỗi ngân hàng lại áp dụng bộ tiêu chuẩn khác nhau trong giao dịch với khách hàng.
Với sự xuất hiện của TIN, các ngân hàng được chia sẻ và tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và đáng tin cậy, giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ trùng lặp, hay sập bẫy thông tin giả mạo. Điều này góp phần giúp các ngân hàng đánh giá tốt hơn các rủi ro và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp kịp thời hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng thương mại. Đối với các giao dịch bên ngoài TIN, các ngân hàng vẫn có thể sử dụng song song hệ thống hiện có.
TIN là nền tảng có kiến trúc mở và khả năng kết nối được chuẩn hóa dựa trên mô hình tương tự như SWIFT - một hệ thống tin nhắn mà ngành ngân hàng trên toàn thế giới đang sử dụng, để chia sẻ thông tin được mã hóa thông qua một kênh an toàn. Doanh nghiệp chỉ phải đăng ký một lần duy nhất là có thể kết nối với tất cả các ngân hàng tham gia mạng lưới.
Đại diện 7 ngân hàng sáng lập TIN cho biết sự ra đời của mạng lưới thông tin thương mại là nhằm giải quyết nhu cầu chưa được đáp ứng trong việc hỗ trợ tài chính bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng chia sẻ thông tin thương mại trực tiếp với các ngân hàng mà họ lựa chọn một cách an toàn.
7 "ông lớn" đầu tiên tham gia TIN |
Ba bên cùng có lợi
"Đây là lần đầu tiên các ngân hàng này kết hợp với nhau để xây dựng một tiêu chuẩn, giúp giảm chi phí tiếp cận nguồn vốn vay bởi rủi ro sẽ được giảm thiểu", ông Rogier Schulpen - Giám đốc toàn cầu Khối giải pháp thương mại tại Banco Santander, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Schulpen cho biết đã có thêm 20 ngân hàng từ khắp nơi trên thế giới đang tích cực tham gia phát triển mạng lưới, cùng 60 công ty lớn bày tỏ sự quan tâm gia nhập.
Ông không đặt ra mục tiêu cho quy mô của dự án mới này, nhưng hy vọng nó có thể tài trợ một phần đáng kể trong tổng nhu cầu khoảng 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm về tín dụng thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà hiện nay chưa đáp ứng được do chi phí và rủi ro cao.
Ông Mark Evans - Giám đốc điều hành Khối giao dịch của ANZ, cho biết: "Tại ANZ, chuyển đổi sang kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, trong đó có cả số hóa hoạt động tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng. Chúng tôi rất háo hức trở thành ngân hàng sáng lập trong dự án này, vì nó có tiềm năng mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và được áp dụng trên toàn cầu - điều có lợi cho cả ANZ, khách hàng và ngành ngân hàng".
Trong khi đó, bà Jacques Levet - Giám đốc Khối giao dịch EMEA của BNP Paribas, chia sẻ rằng dự án này được tạo ra bởi các ngân hàng và dành cho chính các ngân hàng, tăng tính kết nối với doanh nghiệp. Nền tảng này có tiềm năng tác động đến nền kinh tế thực nhờ việc mở cửa một thị trường toàn cầu chưa từng có trong lĩnh vực tài chính thương mại và chuỗi cung ứng.
Hải Châu