Kết quả này như một cú “phản đòn” cho chiến dịch dài hơi phản đối Dodd Frank - Đạo luật cải cách ngân hàng ra đời sau khủng hoảng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Không “kìm hãm” ngân hàng
Các tổ chức tài chính Mỹ đã không ngừng chỉ trích đạo luật Dodd Frank, với lý do những quy định “hà khắc” nhằm tăng cường giám sát và quản lý rủi ro của đạo luật có “nguy cơ” gây tổn hại đến thị trường vốn, hạn chế hoạt động tín dụng cả cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vào quý II năm nay, các ngân hàng đã chứng kiến việc lợi nhuận của họ đang dần tăng lên. Nhóm 10 trong số các tổ chức cho vay lớn nhất Hoa Kỳ đã đạt mức lợi nhuận khủng 30 tỷ USD, đồng thời nắm giữ các khoản vay với tổng giá trị ít nhất 100 tỷ USD.
Kết quả đạt được của quý II hoàn toàn không phải do yếu tố “may mắn”, khi những con số đạt được trong 12 tháng qua rất gần với những kết quả đạt được năm 2007.
Nguyên nghị sĩ Barney Frank, một trong hai tác giả chính của Đạo luật, phát biểu: “Các điều luật được thông qua không làm ảnh hưởng tới khả năng kiếm tiền của các ngân hàng. Kết quả này là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ tuyên bố của ông Trump về việc chúng tôi cắt giảm cho vay. Làm thế nào các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận kỷ lục nếu họ không thể cho vay, đặc biệt khi việc kinh doanh của họ đang xuống dốc?”
![]() |
Đạo luật Dodd Frank từng bị chỉ trích với những quy định “hà khắc”
Tình hình khả quan về mặt lợi nhuận cho thấy, khả năng kiếm tiền cho các cổ đông vẫn được duy trì, nền kinh tế được kích thích phát triển và tất cả được thực hiện dưới các biện pháp kiểm soát an toàn của đạo luật Dodd Frank.
Theo Giám đốc điều hành JPMorgan - ông Jamie Dimon, hệ thống ngân hàng đã có thể kiếm được 2.000 tỷ USD từ những khoản vay trong 5 năm qua, nếu không có những quy định quá khắt khe của Đạo luật, cụ thể như việc tiếp cận thị trường vốn của các doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.
Khả quan về lợi nhuận
“Ngành tài chính đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn chưa thể đạt đến vị thế như thời kỳ trước khủng hoảng. Đã có những thiệt hại gây ra bởi những quy định được soạn thảo và thông qua một cách quá vội vàng. Vì vậy, việc cần bàn là hợp lý hóa và cải tiến các quy định đó”, ông Wayne Abernathy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ, phát biểu.
Theo ông Abernathy, các chỉ số về lợi nhuận của nhóm ngân hàng lớn không phản án được toàn cảnh thị trường, khi quy mô nền kinh tế đã khác thời kỳ trước khủng hoảng rất nhiều.
Mặc dù trong 6 năm qua, các khoản vay vẫn không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và giá trị, nhưng vẫn chưa thể sánh được với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng. Theo số liệu từ công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng Mỹ đã tăng 31% kể từ năm 2011 đến quý I năm nay, nhưng con số này chưa là gì so với mức tăng trưởng 54% của thời kỳ 2007 - 2011.
Bên cạnh đó, một loạt các chỉ số cho thấy ngành ngân hàng không đạt được mức lợi nhuận như trước. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản thấp hơn 35% so với trước khủng hoảng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng chưa bằng một nửa so với trước đây.
Chỉ số này càng trở nên tệ hơn, khi nhìn vào khía cạnh vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đã nhân lên gấp bội sau khi thị trường nhà đất sụp đổ. Mức tỷ suất lợi nhuận dưới mức 10% không đủ hấp dẫn những nhà đầu tư mới rót vốn vào thị trường, dẫn tới việc ngân hàng không thể tăng trưởng nhanh và có thể bị mất dần thị phần.
Vào tháng trước, lần đầu tiên cả 34 ngân hàng của Mỹ đã vượt qua bài “kiểm tra sức khỏe” hàng năm của FED, kể từ khi Đạo luật Dodd Frank ra đời. Các chuyên gia nhận định kết quả này là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc các ngân hàng đã có đủ tiềm lực để đối đầu với khủng hoảng và đã đến lúc để nới lỏng những quy tắc cứng nhắc, nếu muốn ngành tài chính ngân hàng khôi phục được vị thế của mình như trước đây.
Hải Châu