Theo thống kê của công ty dữ liệu ngành ăn uống MillerPulse, số lượng khách đến các cửa hàng đồ ăn nhanh ở Mỹ trong tháng 9/2018 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối sâu mức giảm 0,8% của tháng trước.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ ra một loạt các tác nhân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, gây ra thực trạng này, như khách hàng có xu hướng chuyển sang các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn bánh kẹp burger và pizza; hoạt động xây dựng bớt nhộn nhịp đồng nghĩa với việc có ít công nhân công trường hơn, trong khi đây là đối tượng khách hàng mà gần như 100% giải quyết bữa trưa bằng thức ăn nhanh.
Nhiều doanh nghiệp phá sản
Viễn cảnh khó khăn này đã ảnh hưởng rõ nét đến nhiều doanh nghiệp và gần đây nhất là chủ sở hữu các thương hiệu Papa Gino’s và D’Angelo Grilled Sandwiches đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tập đoàn Papa Gino’s Holdings cho biết đã ký hợp đồng chuyển nhượng công ty cho tập đoàn đầu tư Wynnchurch Capital và buộc phải đóng cửa khoảng 95 nhà hàng làm ăn bết bát.
Taco Bueno - một tên tuổi có tiếng với chuỗi 169 nhà hàng theo phong cách pha trộn Mỹ - Mexico, cũng vừa phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản chờ tái cơ cấu. Theo kế hoạch, công ty nhượng quyền Sun Holdings sẽ nắm quyền kiểm soát Taco Bueno trong tương lai.
Theo nhận định của ông Todd Penegor - Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng burger Wendy’s, nền kinh tế Mỹ hồi phục tốt nhưng hưởng lợi nhiều lại là nhóm dân số khá giả, trong khi những người có thu nhập thấp thì không cảm nhận được mấy. Trong khi đó, khoảng 40% khách hàng của các nhà hàng đồ ăn nhanh có thu nhập chưa tới 45.000 USD/năm.
Ông Penegor cũng phân tích thêm rằng tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất trong một thời gian dài, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao nhưng chi phí nhà đất và chăm sóc sức khỏe tăng khiến đời sống của nhóm thu nhập thấp gần như giậm chân tại chỗ.
Ngoài chuyện nhu cầu thị trường giảm sút, các chuỗi nhà hàng fast-food ở Mỹ còn đang chịu áp lực phải đưa ra các chương trình giảm giá hấp dẫn để vừa níu chân khách hàng, vừa không thua kém đối thủ. Burger King gần đây đã bắt đầu triển khai thực đơn 10 miếng gà viên với giá 1 USD, còn McDonald’s cho ra mắt bữa ăn đầy đủ chỉ 6 USD, trong khi Applebee bán loại cocktail 1 USD.
Lượng khách đến các cửa hàng đồ ăn nhanh ở Mỹ ngày càng giảm sút |
Phải thay đổi tư duy
Ông Larry Miller - nhà đồng sáng lập MillerPulse, cho biết tình hình cạnh tranh trong ngành đồ ăn nhanh là rất gay gắt. “Nhà nhà, người người muốn làm chủ và nghĩ rằng có thể mở một nhà hàng, trong khi việc vay vốn cũng khá dễ dàng với lãi suất thấp”, ông chia sẻ.
Một điểm đáng chú ý nữa là nước Mỹ đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều chuỗi cửa hàng mới kinh doanh thực phẩm tốt cho sức khỏe với cam kết nguyên liệu tươi ngon ít chất phụ gia, sử dụng gà nuôi thả tự nhiên thay vì chỉ toàn là gà công nghiệp, các món ăn từ rau củ quả nhiều hơn - thậm chí làm món chính.
Trước xu thế này, các thương hiệu đồ ăn nhanh lâu đời cũng phải tự làm mới mình bằng cách bổ sung các lựa chọn lành mạnh vào thực đơn, thường xuyên sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương hơn.
Thay đổi tư duy kinh doanh là việc mà chủ sở hữu các nhà hàng có thể thực hiện không quá khó khăn, nhưng chi phí thuê nhân viên đã, đang và sẽ là một bài toán nan giải. Trong bối cảnh mặt bằng lương trên thị trường lao động chịu sức ép phải tăng lên để bảo đảm khả năng chi trả sinh hoạt phí của người lao động, các doanh nghiệp sẽ phải tìm ra giải pháp để cân bằng.
Thức ăn nhanh luôn gắn liền giá rẻ và khách hàng rất nhạy cảm về giá. Chính vì vậy, thay vì tăng giá, doanh nghiệp cần nghiên cứu giảm bớt số lượng nhân viên, trong đó tận dụng công nghệ là một phương án hữu ích.
Các ki-ốt tự phục vụ hay đặt món và thanh toán trên ứng dụng di động là những ví dụ điển hình mà nhiều chuỗi cửa hàng mới đưa vào áp dụng và ghi nhận được sự hiệu quả.
Hải Châu