Theo thống kê, trước khi cơ quan chức năng EU ban hành các biện pháp bảo hộ như hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh tới 80% thị trường châu Âu và thiết bị năng lượng mặt trời được bán với giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất.
Chuyện dài sau hậu trường
Công cụ bảo hộ thương mại mà EC đưa ra từ năm 2013 đã hết hiệu lực vào hôm 7/12. Tuy nhiên, sau khi công bố kế hoạch rà soát các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện hành, Ủy ban này quyết định tiếp tục duy trì bảo hộ thương mại cho đến khi kết thúc đợt rà soát.
EU ProSun, một hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời châu Âu, cho biết mỗi lần rà soát như trên thường mất đến 15 tháng, đồng nghĩa với việc các biện pháp bảo hộ sẽ được giữ nguyên đến hết năm 2016.
Hiện tại, công cụ bảo vệ doanh nghiệp EU chủ yếu tồn tại dưới dạng thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất Trung Quốc có thể được miễn thuế, nếu tuân thủ một hiệp định mà EU và Trung Quốc từng ký kết năm 2013, theo đó yêu cầu giá nhập khẩu vào EU phải trên mức tối thiểu theo quy định. Cụ thể, mức giá sàn là 0,56 Euro tính cho mỗi watt đơn vị năng lượng mặt trời được tạo ra để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế mà doanh nghiệp EU phải gánh chịu.
Thỏa thuận trên chủ yếu là để “chiều” theo mong muốn quá mãnh liệt của đại bộ phận ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời Trung Quốc, nhằm duy trì kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu và chiếm giữ thị phần.
Chính sách mức giá tối thiểu dựa trên tinh thần tuân thủ tự nguyện; nhà xuất khẩu nào không tuân thủ sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá của EU. Thỏa thuận này cũng chỉ áp dụng đối với mặt hàng nhập khẩu là những tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất được 7 gigawatt mỗi năm.
Cuộc chiến trong ngành công nghiệp pin mặt trời giữa doanh nghiệp Trung Quốc với đối thủ Âu và Mỹ là một câu chuyện dài, tốn không ít giấy mực và liên quan tới nhiều hoạt động “sau hậu trường”. Năm 2012, Mỹ cùng từng phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp năng lượng mặt trời trong nước.
Các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ “tố” doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ nguồn trợ cấp khổng lồ của chính phủ nên dư thừa năng lực, dẫn tới bán phá giá sản phẩm thừa sang thị trường phương Tây với mức giá “rẻ đến khó tin”, bóp chết cạnh tranh.
![]() |
Một nhà máy sản xuất pin năng lượng Mặt Trời ở Chiết Giang, Trung Quốc
“Giết chết” cạnh tranh
Tháng 6 vừa rồi, Liên minh châu Âu (EU) đã kết luận có 3 công ty Trung Quốc, bao gồm Canadian Solar, ET Solar và ReneSola, vi phạm cam kết Hiệp định 2013 để trốn tới 70% thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng bị cảnh cáo.
Canadian Solar bị cáo buộc đã khuyến mãi cho khách hàng châu Âu dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến giá bán thực tế thấp hơn giá sàn theo quy định. Song song với đó, Canadian Solar và ReneSola còn “đi đường vòng” bằng cách bán linh kiện pin mặt trời cho các công ty không thuộc EU để lắp ráp trước khi xuất khẩu sang EU. Do chính sách thuế của EU chỉ áp dụng với những tấm pin đến từ Trung Quốc, nên cách làm trên, dù không trực tiếp vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, vẫn mở đường cho hai công ty trên đưa hàng vào 28 nước EU.
Theo người phát ngôn của EC, luật pháp EU quy định cơ quan này phải tiến hành điều tra rà soát, nếu phía “nguyên đơn” có đầy đủ bằng chứng cho thấy việc trợ cấp và bán phá giá vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Vị này cũng khẳng định mục đích của các biện pháp thương mại là nhằm bảo đảm sân chơi bình đẳng giữa những doanh nghiệp sản xuất ở trong và ngoài khối EU, tránh các hành vi bóp méo thương mại quốc tế và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Milan Nitzschke, Chủ tịch của EU ProsSun, khẳng định hành vi bán phá giá này đã “giết chết” cạnh tranh, tác động tiêu cực đến công ăn việc làm và cản trở đổi mới sáng tạo. “Chừng nào doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc còn vi phạm những quy tắc cơ bản của thương mại quốc tế và cạnh tranh, thì EU phải duy trì đầy đủ các biện pháp bảo vệ”, ông Nitzschke cho biết.
Hùng Anh