Kết thúc một tuần nhóm họp ngay sau khi Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch - bom H, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết trên.
Theo đó, Triều Tiên bị giới hạn nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu xuống còn 2 triệu thùng/năm, bị cấm xuất khẩu hàng dệt may; đồng thời, các quốc gia có quyền đóng băng tài sản của những tàu chở hàng từ chối yêu cầu kiểm tra trong vùng biển quốc tế.
Lại thử hạt nhân, lại phạt
Bà Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng ta đang đáp trả một diễn biến nguy hiểm mới. Đây là lệnh trừng phạt nặng nhất từng được áp dụng đối với Triều Tiên”. Bà Haley cũng khẳng định nếu cần thiết, Mỹ sẵn sàng đơn phương hành động để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kể cả khi Mỹ thuyết phục được Nga và Trung Quốc (hai thành viên nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng) đồng thuận với lệnh trừng phạt mới, kết quả cuối cùng vẫn không như Mỹ kỳ vọng ban đầu (cấm hoàn toàn nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu và phong tỏa tài sản của ông Kim Jong Un ở nước ngoài).
Theo nhận định của giới phân tích, sau nhiều cuộc hội đàm căng thẳng mà không đem lại kết quả, Mỹ buộc phải điều chỉnh đề xuất của mình, để đổi lấy cái gật đầu từ Nga và Trung Quốc - hai nước vẫn kêu gọi Mỹ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hòa bình và nghị quyết mới cũng hướng đến giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán.
Ông Liu Jieyi - Đại sứ Trung Quốc, cho rằng tất cả các bên đều cần “giữ được cái đầu lạnh” trong cả phát ngôn lẫn hành động và nối lại đàm phán dù “muộn còn hơn không”. Trong khi đó, theo Đại sứ Nga Vassily Nebenzia, một giải pháp chính trị là vấn đề cấp thiết lúc này và phớt lờ yêu cầu đàm phán đồng nghĩa với xâm hại trực tiếp tới sự đồng thuận của của Hội đồng.
![]() |
12/15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã biểu quyết ủng hộ đợt cấm vận mới
Về phía Triều Tiên, truyền thông nước này công kích mạnh mẽ bà Haley và quyết định trừng phạt từ trước cuộc bỏ phiếu, với tuyên bố Mỹ sẽ phải trả giá bằng “nỗi đau chưa từng nếm trải trong lịch sử”.
Mặc dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng, nhưng không phải là không có những dấu hiệu cho thấy hai bên đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Theo nguồn tin của Nippon TV (Nhật Bản), các quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên được cho là đang lên kế hoạch hội đàm không chính thống với các cựu quan chức của Mỹ tại Thụy Sỹ. Trong khi đó, tờ Financial Times lại đưa tin một số ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu cấm mở tài khoản mới ở Triều Tiên, hoặc chặn giao dịch gửi tiền vào tài khoản hiện tại.
Và tiếp tục phớt lờ
Giới chức Mỹ nhận định lệnh trừng phạt mới sẽ làm giảm 90% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên. Riêng việc bị khóa cửa xuất khẩu hàng dệt may có thể khiến Triều Tiên tổn thất khoảng 726 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, chính quyền ông Kim Jong Un vẫn luôn phớt lờ các lệnh trừng phạt và tập trung vào mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với khả năng mang đầu đạn hạt nhân sang lãnh thổ nước Mỹ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên, với mục tiêu đàm phán giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Những cuộc đàm phán trước đó, bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ, đã đổ vỡ kể từ năm 2009.
Tuần trước, Nga và Trung Quốc đã phản đối mạnh tay trừng phạt Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin nghi ngờ về hiệu quả thực sự mà nó có thể mang lại. Cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc thôi tập trận quân sự. Tuy nhiên, đề xuất trên bị Mỹ thẳng thừng bác bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn liên tục hối thúc Trung Quốc với tầm ảnh hưởng của mình để kìm hãm chính quyền Bình Nhưỡng và Mỹ sẵn sàng cung cấp trang bị quân sự hạng nặng cho Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc là nước cung cấp phần lớn nguồn dầu thô cho Triều Tiên với ước tính khoảng gần 10.000 thùng/ngày.
Hải Châu