Tuy nhiên, đại diện một số nước khuyến nghị chính phủ các quốc gia cần phải làm tốt hơn trong việc hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa.
Bài học từ lịch sử
Phát biểu tại một hội nghị doanh nghiệp bên lề APEC, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski nhắc tới quan điểm bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là những động thái đáng lo ngại của kinh tế thế giới.
Tổng thống Peru nêu rõ: “Tại Mỹ và Anh, chủ nghĩa bảo hộ đang thắng thế. Cần phải làm cho thương mại toàn cầu phát triển trở lại và đánh bại chủ nghĩa bảo hộ”; và “ai ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thì nên đọc lại lịch sử kinh tế những năm 1930”
Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ nổi lên vào thời điểm này sẽ chỉ cản trở nỗ lực đưa nền kinh tế toàn cầu thoát ra khỏi lối mòn tăng trưởng thấp như hiện nay.
“Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng nếu đã rơi vào một cái hố sâu mà lại cứ tiếp tục đào xuống thì không có gì tồi tệ bằng. Nhưng đó lại là những gì chủ nghĩa bảo hộ sẽ mang lại”, ông Turnbull ví von. Tuy nhiên, ngay tại Australia, ngày càng có nhiều chính trị gia thuộc cả đảng cầm quyền và đối lập ủng hộ chế độ bảo vệ nền công nghiệp nội địa.
![]() |
Hội nghị APEC 2016 diễn ra tại thủ đô Lima của Peru
Lời kêu gọi của lãnh đạo Peru và Australia được đưa ra trong bối cảnh thắng lợi bầu cử hoành tráng đầy bất ngờ của ông Trump, đã dội gáo nước lạnh vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đe dọa khơi mào cuộc chiến thương mại lớn chưa từng có với Trung Quốc, cũng như sinh ra nhiều rào cản mới đối với tình hình tăng trưởng trong khu vực vốn rất bấp bênh.
Trong khi số mệnh TPP chưa biết “sống chết” ra sao thì Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu để làm đối trọng với TPP đã tranh thủ cơ hội này giành được sự quan tâm của một số nước quan sát.
Tại một cuộc họp của bộ trưởng các nước TPP, đại diện thương mại Mỹ Mike Froman cho rằng nhiều nước khác đã bàn về chuyện không thể nấn ná chờ đợi nước Mỹ nữa, nhất là khi lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội nước này tuyên bố sẽ chống lại TPP sau khi ông Trump đắc cử, với quan điểm phản đối TPP ra mặt để lấy lòng các cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Bản thân chính quyền Mỹ cũng nhận ra rằng, nếu họ đánh rơi cơ hội với TPP thì các nước APEC khác đành phải “bỏ trứng vào giỏ RCEP”, như cách nói của ông Froman khi trả lời phóng viên.
Lời nói và hành động
Ông Eduardo Ferreyros, Bộ trưởng Thương mại Peru, cho biết các bộ trưởng APEC đã nhất trí rằng “sẽ không quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ”. “Chúng tôi hiểu rằng những thách thức phía trước là rất lớn, nhưng chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu kiên định với tự do hóa và thúc đẩy thương mại, chúng tôi sẽ góp phần nâng cao tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh”, ông Ferreyros cho biết.
Tuy nhiên, đại diện một số nước khuyến nghị chính phủ các quốc gia cần phải làm tốt hơn trong việc hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa.
“Đó không chỉ là vấn đề tuyên truyền giáo dục, mà còn là bảo đảm lời nói (về tự do thương mại và toàn cầu hóa) đi đôi với hành động. Mọi người cần cảm nhận được rằng họ có một tương lai tươi sáng hơn và tự do thương mại chính là con đường để tiến lên phía trước”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, nói.
APEC 2016 là năm đầu tiên triển khai nhiều chiến lược dài hạn về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác dịch vụ. Dưới chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”. Năm APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy 4 ưu tiên chính Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; thị trường lương thực khu vực; hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển vốn nhân lực.
Tại APEC năm nay, các đại biểu sẽ được báo cáo về tính khả thi và kết quả phân tích lợi ích - chi phí của kế hoạch thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) từng được nêu ra tại APEC 2014 ở Bắc Kinh.
Hải Châu