![]() |
Kinh tế Trung Quốc chưa kịp phục hồi sau thương chiến lại tiếp tục "khốn đốn" vì bệnh dịch |
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao dốc xuống 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm giữa Trung Quốc và Mỹ.
Kinh tế trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan
Theo đó, thuế trừng phạt và các biện pháp hạn chế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, khiến hàng triệu lao động nước này mất việc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại không phải vấn đề duy nhất khiến nền kinh tế Trung Quốc liên tục thụt lùi. Bên cạnh cuộc khủng hoảng thương mại, "quả bom nợ" 40.000 tỷ USD của Trung Quốc đang ngày càng phình to. Các ngân hàng nông thôn Trung Quốc đã nhiều phen lao đao, nợ tiêu dùng của người dân tăng vọt, chính quyền siết chặt kiểm soát cho vay khiến các công ty tư nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Do đó, năm 2019, Trung Quốc đã bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn chặn nguy cơ chi tiêu quá tay, đặc biệt là hạn chế các dự án phát triển hạ tầng quá tốn kém kinh phí và khó sinh lời.
Để vực dậy kinh tế, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nỗ lực nhiều tháng bên bàn đàm phán. Đến tháng 1 vừa qua, hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó bao gồm các điều khoản liên quan tới sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cam kết của Trung Quốc trong việc mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Sau thỏa thuận, nhiều chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi với mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, một điều không mong muốn đã xảy đến với Trung Quốc, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không những không phục hồi mà tình trạng tê liệt còn ngày càng lan rộng.
Còn quá sớm để hy vọng
Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12/2019 và lây lan nhanh chóng sau khoảng 1 tháng.
Theo chuyên gia đến từ Viện Milken - ông Curtis Chin: "Dịch virus bùng phát từ Vũ Hán ảnh hưởng hơn cả chiến tranh thương mại, nó đã đẩy nhanh quá trình phân tách kinh tế giữa hai quốc gia, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu tư duy lại về chuỗi cung ứng".
Tuy nhiên, khả năng nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ “đường ai nấy đi” đã được đề cập khi chiến tranh thương mại bùng nổ từ năm 2018, dẫn đến việc hai bên đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới một số nền kinh tế châu Á khi các công ty khu vực và toàn cầu phải lần mò tìm cách né thuế trừng phạt và chuyển hướng dòng chảy thương mại. Nhưng, dịch virus corona bùng lên từ Vũ Hán gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng này, đặc biệt khi chính quyền Bắc Kinh phong tỏa các thành phố lớn ở tỉnh Hồ Bắc, hạn chế đi lại và buộc các nhà máy tạm thời đóng cửa.
Nhiều hãng sản xuất tại đây đã phải đóng cửa hoặc lùi lịch làm việc. Trung Quốc đã thiệt hại hàng tỷ USD trong thời gian ngắn.
![]() |
Covid-19 khiến tình trạng tê liệt của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lan rộng |
Ngoài Covid-19, Trung Quốc cũng thông báo tình trạng bùng phát chủng cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại ở TP Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Trang trại này có 4.500 con gà chết vì cúm trên tổng số 7.850 con. Chính quyền TP đã tiêu hủy tổng cộng 17.828 gia cầm khi dịch bùng phát.
Dịch cúm H5N1 bùng phát tại Hồ Nam thời điểm này như đòn mạnh giáng thêm vào Trung Quốc khi dịch virus corona đang lây lan nhanh chóng.
Trước tình hình này, nhiều nhà phân tích vẫn hy vọng ảnh hưởng của dịch Covid-19 và H5N1 với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ theo hình chữ V, nghĩa là tăng trưởng giảm tốc đáng kể trong quý I, nhưng phục hồi mạnh mẽ trong quý II.
Họ cũng hy vọng, dịch virus corona ở quốc gia 1,4 tỷ dân đã đạt đỉnh và tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm mạnh, các trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc sẽ hạn chế, vaccine sẽ được phát triển nhanh, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẵn sàng bơm một số tiền khổng lồ để kích thích nền kinh tế.
Tuy nhiên, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz SE Mohamed A. El-Erian nhận định, vẫn còn quá sớm để hy vọng vào một cuộc phục hồi chữ V. Ông cho rằng nguy cơ kinh tế Trung Quốc di chuyển theo hình chữ U hoặc L trong năm 2020 là rất cao, và các hoạt động kinh tế của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sau khi bị đứt quãng nghiêm trọng. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trước dịch đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải lần mò trong quá trình chuyển đổi kinh tế đã từng đẩy nhiều quốc gia rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Hiện, chiến tranh thương mại hay “quả bom nợ” ngày càng phình to không phải vấn đề đặt lên hàng đầu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang tập trung cho vấn đề “đau đầu” của toàn cầu hiện nay là khống chế và ngăn chặn đại dịch do Covid-19 gây ra.
Khánh Hồng