Trước đó, từng có thời gian chính phủ bất ngờ cắt giảm thu nhập từ cấp bộ trưởng cho tới nhân viên, với lý do chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới.
Dịu song cộng đồng mạng
Cuối tuần qua, Đức vua Ả-Rập Xê-Út đã ban hành một sắc lệnh mới, khôi phục “tất cả các khoản trợ cấp, lợi ích tài chính và tiền thưởng” cho cán bộ khu vực công, nhằm xoa dịu tình trạng biểu tình diễn ra đồng loạt ở 4 thành phố. Các quân nhân đang tham chiến tại Yemen còn được nhận thêm 2 tháng tiền thưởng.
Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, Ả-Rập Xê-Út bất ngờ có lần đầu tiên cắt giảm lương của cán bộ, nhân viên chính phủ, một lực lượng đông đảo chiếm tới khoảng 2/3 lao động tại nước này, nhằm tiết kiệm ngân sách khi đó đang chịu ảnh hưởng nặng nề do giá dầu giảm sâu kỷ lục.
Lương cấp bộ trưởng bị “xén” mất 20%. Lương các thành viên Hội đồng tư vấn bị giảm 15%. Các công chức cấp thấp hơn cũng phải chấp nhận tiền đổ về tài khoản vơi đi ít nhiều.
Điều này đã làm dấy lên dư luận không mấy tích cực. Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, người dân Ả-Rập Xê-Út hô hào nhau tham gia một làn sóng phản đối chính phủ, đòi lại quyền lợi vốn có cho công chức, viên chức.
Họ cũng kết hợp thêm nhiều vấn đề nóng khác của xã hội, như: yêu cầu ngừng cổ phần hóa tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco, xây dựng một chế độ quân chủ lập hiến và phục hồi quyền lực của cảnh sát tôn giáo.
Trước sức ép từ người dân và cũng nhờ có những kết quả ngân sách “đẹp” hơn dự kiến trong quý I/2017, Thái tử Mohammed bin Salman đề nghị đã đến lúc cần điều chỉnh lại quy định của 6 tháng trước.
Dù gì thì từ cuối năm 2016, giá dầu - nguồn thu quan trọng nhất của quốc gia Trung Á - đã bắt đầu hồi phục. Dầu thô Brent LCOc1 hiện đang giao dịch ở mức 52 USD/thùng, tăng 7 USD so với mức trung bình năm ngoái.
Chỉ số chứng khoán TASI ngay lập tức tăng 1,0%, do nhà đầu tư kỳ vọng khi thu nhập của khối công chức viên chức được bù lại thì các ngành tiêu dùng như bán lẻ và thực phẩm cũng được thơm lây.
Bên cạnh việc rà soát lại các chính sách liên quan tới trợ cấp của nhân viên khu vực công, Bộ trưởng Ngoại giao Ả-Rập Xê-Út Mohammed Alsheikh khẳng định chính phủ đã có một số biện pháp điều chỉnh ngân sách trong 2 năm qua và nhờ đó cải thiện đáng kể tình hình tài khóa. Ngoài ra, các dấu hiệu phục hồi kinh tế cũng đã xuất hiện, tạo điều kiện “rủng rỉnh” hơn chút ít cho quốc gia Trung Á.
![]() |
Chỉ số chứng khoán TASI ngay lập tức tăng 1,0%
Điều chỉnh cho ngân sách rủng rỉnh
Thống đốc Ngân hàng trung ương Ả-Rập Xê-Út cho biết, thâm hụt thương mại của nước này dự kiến sẽ giảm trong năm 2017, thậm chí có thể sẽ có thặng dư. Còn theo lời một vị Thứ trưởng Bộ kinh tế, thâm hụt ngân sách đã giảm hơn một nửa trong quý đầu năm nay, một phần là nhờ chủ trương quản lý chi tiêu thận trọng của chính phủ.
Trong một động thái nhượng bộ khác nhằm xoa dịu dân chúng, Ngân hàng trung ương Ả-Rập Xê-Út đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục chính sách ưu đãi đối với cho vay tiêu dùng và bất động sản. Những chính sách này từng được đưa ra để hỗ trợ cho nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ quyết định cắt giảm lương thưởng hồi tháng 9/2016 và cũng làm “lá chắn” cho chính quyền trước sức ép dư luận.
Một điểm đáng lưu ý khác trong sắc lệnh của Ả-Rập Xê-Út lần này là các quyết định về mặt nhân sự trong bộ máy chính quyền, trong đó có việc bổ nhiệm hai người con của Đức vua Salman vào các vị trí quan trọng, bảo đảm cho một thế hệ lãnh đạo mới của gia tộc Al Saud.
Hoàng tử Khaled bin Salman, một phi công F-15 được đào tạo ở Mỹ, được cử làm đại sứ tại Washington. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực dầu mỏ, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng. Ả-Rập Xê-Út cũng sẽ có một trung tâm an ninh quốc gia mới, dưới sự quản lý trực tiếp của tòa án hoàng gia.
Hải Châu