Daniel Pinto - Giám đốc khối ngân hàng đầu tư của JPMorgan, cho biết tập đoàn này quyết định sẽ sử dụng 3 ngân hàng con hiện có ở châu Âu để làm nền móng “kiềng ba chân” cho toàn bộ hoạt động của mình.
Cái kết không tránh khỏi
Điều này đồng nghĩa với việc trước mắt sẽ có 500 - 1.000 nhân viên phải chuyển chỗ làm khỏi London để có thời gian ổn định tại các cơ sở mới và bảo đảm công việc không bị ảnh hưởng khi Brexit có hiệu lực. Sau đó, ban lãnh đạo tập đoàn sẽ cân nhắc có điều chuyển thêm nữa hay không.
Quay ngược lại quá khứ, trước khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon từng thông báo cho các nhân viên quốc tịch Anh rằng nếu Brexit xảy ra, sẽ có khoảng 4.000 người trong số họ cần phải chuyển chỗ làm. Cách đây 3 tháng, ông Dimon lại để ngỏ khả năng con số này có thể dao động tùy vào diễn biến các vòng đàm phán Brexit.
Ngoài yếu tố con người, JPMorgan cũng dự trù chuyển một phần đáng kể hoạt động kinh doanh ra khỏi London để được tiếp tục phục vụ các khách hàng châu Âu, phòng trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận về hộ chiếu đi lại giữa hai bên. Mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư sẽ tập trung ở Frankfurt (Đức), trong khi hoạt động lưu ký rời về Dublin (Ai-len), còn dịch vụ ngoại hối sẽ được xử lý tại Luxembourg.
Theo nguồn tin của Bloomberg News, từ hồi tháng 3, JPMorgan đã đi thăm dò địa điểm văn phòng mới ở Dublin và Frankfurt với diện tích mặt bằng từ 4.645 - 13.935 m2.
Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Michel Barnier, mới đây đã lên tiếng bác bỏ khả năng đàm phán sớm về các giải pháp trong thời gian quá độ, dù đây là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp tài tại London. Ông Barnier cũng khẳng định rằng hai bên sẽ chỉ đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai sớm nhất là cuối năm nay.
JPMorgan không phải là đại gia ngân hàng duy nhất lục tục chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit. Deutsche Bank dự kiến điều động 4.000 nhân viên ra khỏi London, trong khi Goldman Sachs có thể bắt đầu phân bố lại đội ngũ nhân sự của mình kể từ năm 2018.
![]() |
500 - 1.000 nhân viên JPMorgan sẽ phải chuyển chỗ làm khỏi London
Lợi bất cập hại
Cho đến nay, Frankfurt và Dublin là hai điểm đến được phần đông cộng đồng doanh nghiệp ngành tài chính ưu tiên lựa chọn. Standard Chartered đã chốt phương án Frankfurt - trung tâm tài chính của Đức - làm đại bản doanh mới tại EU.
Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng đang cân nhắc quyết định tương tự. Barclays thì nghiêng về thủ đô của Ireland. Luxembourg lại chủ yếu có sức hút với các công ty bảo hiểm và quản lý tài sản, đơn cử như hãng bảo hiểm nổi tiếng thế giới American International Group (AIG).
Tất cả những động thái trên được đánh giá là sẽ góp phần dẫn tới thiệt hại không nhỏ cho London. Ước tính trung tâm tài chính của nước Anh có thể tuột mất 10.000 việc làm trong ngành ngân hàng và hơn 20.000 vị trí trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, thậm chí có một số ý kiến đã nhắc tới con số 232.000.
Đây là chưa kể việc JPMorgan còn muốn mở rộng hoạt động sang cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi, bằng việc bổ sung thêm 200 nhân viên và triển khai các dịch vụ thanh toán, quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư. Hãng cũng đang “tăm tia” các thị trường mới nổi có tốc độ phát triển nhanh nhưng thị trường tài chính lại chưa phát triển, như châu Á hay Mỹ Latinh.
Riêng tại thị trường Ả-rập Xê-út, JPMorgan là một trong số các ngân hàng được chính phủ tin tưởng thuê tư vấn phát hành 9 tỷ USD trái phiếu quốc tế và phục vụ cho hoàng gia. JPMorgan nhìn thấy tiềm năng rất lớn khi nước này bắt tay vào một loạt cải cách chưa từng có, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế từng lệ thuộc rất lớn vào dầu mỏ.
Hải Châu