Cuối tuần qua, Ngân hàng trung ương Indonesia đã có văn bản chính thức để khẳng định tất cả các loại tiền tệ ảo, kể cả bitcoin, đều không được công nhận là công cụ thanh toán hợp pháp, do đó không được phép sử dụng để thanh toán ở Indonesia.
Chỉ được sử dụng đồng Rupiah
Luật pháp Indonesia trong lĩnh vực tiền tệ quy định rằng tiền hợp pháp là tiền do chính phủ phát hành và mọi giao dịch có mục đích thanh toán, các nghĩa vụ cần phải thực hiện bằng tiền, hoặc các giao dịch tài chính diễn ra trong lãnh thổ của Indonesia, đều phải được sử dụng đồng Rupiah.
Ngân hàng trung ương Indonesia đánh giá việc sở hữu tiền ảo mang tính rủi ro và đầu cơ cao, vì nó không thuộc trách nhiệm của bất kỳ cơ quan chức năng nào, không có chế tài nào giám sát quản lý, không có tài sản cơ bản nào để định giá, và giá cả thị trường thì biến động liên tục với biên độ cao.
Điều này cũng có nghĩa tiền ảo chịu rủi ro bong bóng và rất dễ bị lợi dụng cho mục đích rửa tiền và tài trợ các tổ chức khủng bố, do đó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính và gây tổn hại về mặt tài chính cho xã hội. Chính vì vậy, ngân hàng này khuyến cáo tất cả các bên không mua bán và kinh doanh tiền ảo.
Là cơ quan quản lý hệ thống thanh toán, Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ cấm tất cả các đơn vị vận hành hệ thống thanh toán (thanh toán bù trừ, ví điện tử, chuyển tiền…) và đơn vị vận hành công nghệ tài chính, cả ngân hàng và phi ngân hàng, không được xử lý các giao dịch sử dụng tiền ảo.
Ngân hàng này cũng cam kết duy trì ổn định hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố.
Khi được hỏi liệu quyết định bất ngờ như vậy của cơ quan chức năng có thể gây hoang mang cho những người đã trót đầu tư vào tiền ảo hay không, đại diện Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết khi tham gia giao dịch mua bán, nhà đầu tư đã không tham khảo ý kiến của họ; người dân cần phải hiểu và chia sẻ với cơ quan chức năng.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, Ngân hàng trung ương Indonesia từng ra lệnh cấm (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) đối với các công ty công nghệ tài chính sử dụng tiền mật mã cho các giao dịch, nhưng lại không cấm kinh doanh chính những đồng tiền đó.
![]() |
Mọi giao dịch tài chính trên lãnh thổ Indonesia, đều phải sử dụng đồng Rupiah
Nỗ lực giảm thiểu rủi ro
Lệnh cấm này nằm trong kế hoạch xây dựng chính sách mới nhằm thắt chặt khuôn khổ pháp lý, buộc các nhà cung cấp hệ thống thanh toán kỹ thuật số phải xin giấy phép của Ngân hàng trung ương trước khi hoạt động.
Việc sử dụng tiền mật mã ở Indonesia có quy mô tương đối nhỏ và chỉ chiếm khoảng 1% so với thị trường Nhật Bản, song động thái của Ngân hàng trung ương Indonesia cũng thổi thêm luồng gió nóng vào một lĩnh vực đã gây sốt thị trường toàn cầu trong năm 2017 với giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD. Hiện tại, một số doanh nghiệp Indonesia vẫn đăng trên trang web của mình rằng sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Quyết sách dứt khoát của Ngân hàng trung ương Indonesia cũng một lần nữa cho thấy những thách thức mà các cơ quan chức năng phải đối mặt khi muốn kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn trong cơn sốt tiền ảo hiện nay trên thế giới.
Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cấm nhân viên của mình tham gia các giao dịch tiền ảo, trong khi đại diện Bộ Tư pháp tiết lộ nước này sắp ban hành văn bản pháp luật nhằm thắt chặt hơn nữa công tác quản lý, thậm chí cấm tiệt hoạt động mua bán tiền mật mã – một động thái khiến giá bitcoin toàn cầu có thời điểm sụt giảm mạnh và nhiều thị trường tiền ảo rơi vào cảnh hỗn loạn tuần qua.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có một số ý tưởng hạn chế việc đào bitcoin, một quá trình giúp đưa tiền ảo vào lưu thông.
Hải Châu