Công cuộc cải tổ của Ikea diễn ra trong bối cảnh ngành bán lẻ đang bước vào khủng hoảng chưa từng có, khiến một số tập đoàn lớn trên thế giới ngấp nghé bờ vực phá sản; các trung tâm mua sắm lớn thì sụt giảm doanh số vì khách hàng ưa chuộng mua hàng online hơn.
Thay đổi chưa từng có
Ông Torbjorn Loof - Giám đốc điều hành Inter Ikea, cho biết nhà bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới đang xem xét thay đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến. Quyết định này là một phần kế hoạch cải tổ để Ikea tự làm mới mình, thay vì chỉ có những cửa hàng ở khu vực ngoại ô như trước kia.
Dù chưa có thông báo chính thức, song nhiều khả năng Ikea sẽ chọn Amazon và Alibaba làm đối tác thương mại điện tử.
Ông Torbjorn nhận định đây là thay đổi lớn nhất của Ikea từ khi thành lập tới nay trên phương tiện giao tiếp với khách hàng. Ikea cũng đang thí điểm một số cửa hàng mới tại trung tâm thành phố, hay các cửa hàng chuyên dụng, cửa hàng nhỏ có ít chỗ đậu xe và diện tích kho hàng khiêm tốn.
Ikea nổi tiếng với việc bố trí thiết kế các gian hàng dạng mê cung nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn nữa, nhưng người mua phải tự đến các cửa hàng mua vật liệu và và tự lắp ráp đồ nội thất của mình.
![]() |
Ikea - nhà bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới
Tuy nhiên, Ikea vừa mua lại TaskRabbit, một doanh nghiệp đi đầu trong nền kinh tế GIG (là nền kinh tế lấy công việc tạm thời là chủ yếu, cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với những người lao động tự do để làm việc trong ngắn hạn), nhằm cung cấp đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ lắp ráp đồ nội thất cho khách hàng.
Ikea cũng giới thiệu một ứng dụng cho phép người dùng thiết bị của Apple dễ dàng hình dung việc sắp xếp đồ nội thất Ikea trong nhà mình, thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường.
Việc Ikea mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng trong khâu giao nhận sản phẩm, cũng như hỗ trợ lắp đặt, đã là một sự thay đổi căn bản so với ý tưởng của nhà sáng lập Ingvar Kamprad (khách hàng tự tiết kiệm chi phí bằng cách tự thực hiện các công đoạn này).
Song, việc đẩy mạnh bán hàng trên mạng mới là bước ngoặt lớn nhất, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Ikea bán sản phẩm thông qua một bên thứ ba.
Hoàn cảnh xô đẩy
Công cuộc cải tổ của Ikea diễn ra trong bối cảnh ngành bán lẻ đang bước vào khủng hoảng chưa từng có, khiến một số tập đoàn lớn trên thế giới, mà mới nhất là hãng đồ chơi Toys ‘R’ Us, ngấp nghé bờ vực phá sản; các trung tâm mua sắm lớn thì sụt giảm doanh số vì khách hàng ưa chuộng mua hàng online hơn.
Nguyên nhân không gì khác ngoài sự lớn mạnh như vũ bão của các trang thương mại điện tử, điển hình là Alibaba và Amazon. Những đối thủ trên không gian mạng này vừa lôi kéo người dùng nhờ sự tiện lợi của kỹ thuật số, vừa tràn ra ngoài “đời thực” với việc thâu tóm cả các cửa hàng tạp hóa truyền thống (ví dụ Amazon bỏ ra 13,7 tỷ USD mua lại Whole Foods và bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất quần áo riêng).
Mối đe dọa hiển hiện như vậy mà không lo đối phó mới là lạ và Ikea không phải là trường hợp duy nhất. Đơn cử như chuỗi siêu thị Walmart phải đơn giản hóa quy trình tiếp nhận hàng hóa bị trả lại tại các cửa hàng truyền thống để tranh thủ lợi thế cạnh tranh so với Amazon (khách hàng muốn đổi trả sản phẩm phải qua bưu điện). Walmart tự tin tuyên bố khách hàng sẽ chỉ mất khoảng 30 giây để hoàn tất việc trả đồ.
Ikea thì tỏ ra khá chậm chạp trong việc chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến. Một phần nguyên nhân là do trong nội bộ có sự bất đồng về việc can thiệp vào mô hình kinh doanh đã mang lại thành công bao lâu nay.
Tuy nhiên, “gã khổng lồ” vốn gắn liền với những sản phẩm thông minh này được dự báo sẽ không gặp khó khăn để thích nghi. Tổng doanh thu trong năm tài chính của Inter Ikea cho đến cuối tháng 8/2017 đã tăng 5% lên 38,3 tỷ Euro.
Hải Châu