Dự kiến IBM sẽ phải trả 190 USD tiền mặt cho mỗi cổ phiếu Red Hat, tức là cao hơn 63% so với giá đóng cửa cổ phiếu này trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Với quy mô chưa từng có trong lịch sử của IBM, thương vụ trên cho thấy quyết tâm của Giám đốc điều hành Ginni Rometty trong việc đa dạng hóa các dịch vụ phần mềm, nhất là ở thời điểm doanh số mảng hoạt động này có dấu hiệu chững lại.
“Gã khổng lồ” chuyển mình
Được thành lập vào năm 1993, Red Hat chuyên về hệ điều hành Linux, loại phần mềm mã nguồn mở phổ biến nhất hiện nay, với “sứ mệnh” là giải pháp thay thế cho phần mềm độc quyền của Microsoft Corp.
Có trụ sở tại Raleigh (North Carolina), Red Hat thu phí của khách hàng doanh nghiệp theo các dịch vụ tùy chỉnh tính năng, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật. Đây sẽ là nguồn doanh thu phong phú cho IBM trong thời gian tới.
Thương vụ của IBM và Red Hat dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục vào nửa cuối năm 2019. IBM sẽ tạm dừng kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ năm 2020 và 2021 để dành tiền thực hiện thỏa thuận này.
IBM cho biết Red Hat sẽ vẫn giữ nguyên thành phần ban lãnh đạo hiện nay dưới sự điều hành của CEO Jim Whitehurst. Tất cả trụ sở, văn phòng, thương hiệu và hoạt động thường nhật sẽ không có gì thay đổi.
Lazard được thuê tư vấn tài chính cho IBM trong thương vụ này, cùng với Goldman Sachs Group và JPMorgan Chase & Co cung cấp tín dụng. Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison LLP đóng vai trò tư vấn pháp lý cho IBM.
Trong khi đó, Guggenheim Partners LLC và Morgan Stanley là cố vấn tài chính cho Red Hat, còn Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý.
Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Rometty - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IBM, cho hay Red Hat là một trong số ít các công ty trong lĩnh vực điện toán đám mây đạt được cả tăng trưởng doanh thu lẫn dòng tiền tự do và mục đích của thương vụ trên là tạo ra tăng trưởng cộng hưởng chứ không phải là để tiết kiệm chi phí.
Động thái của IBM một lần nữa cho thấy các doanh nghiệp “cây đa cây đề” trong làng công nghệ đang tận dụng công cụ mua bán sáp nhập để mở rộng quy mô và xử lý đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là với lĩnh vực điện toán đám mây - nơi mà IBM đang bị bỏ lại sau Amazon.com, Alphabet và Microsoft. Cổ phiếu của IBM đã mất gần 1/3 giá trị trong 5 năm qua, trong khi cổ phiếu của Red Hat tăng 170%.
![]() |
IBM đã đạt được thỏa thuận mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD |
Trào lưu của đại gia
Một số chuyên gia cho rằng để thỏa thuận trên đạt được hiệu quả như kỳ vọng, điều quan trọng đối với IBM là bảo đảm tính độc lập của Red Hat trong quá trình hoạt động và duy trì vị thế trên thị trường nguồn mở và điện toán đám mây.
IBM ra đời năm 1911 và được biết đến trong ngành công nghệ với biệt danh Big Blue, gợi nhớ đến những chiếc máy tính màu xanh huyền thoại của hãng này.
Nhiều năm qua, IBM bị sụt giảm doanh thu khi chuyển hướng từ sản xuất máy tính sang các sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước thương vụ Red Hat, IBM từng có khá nhiều kinh nghiệm thâu tóm các doanh nghiệp tiềm năng. Họ mua lại nhà cung cấp hạ tầng điện toán đám mây Softlayer vào năm 2013 với giá 2 tỷ USD và mua dữ liệu của Weather Channel với giá hơn 2 tỷ USD hồi năm 2015. Xa hơn nữa, vào năm 2008, IBM bỏ ra 5 tỷ USD để sở hữu Cognos, hãng sản xuất phần mềm phục vụ doanh nghiệp của Canada.
Nhiều đại gia công nghệ khác cũng làm mới mình trong thời gian gần đây thông qua những thương vụ tương tự như vậy. Microsoft mua lại nền tảng phần mềm nguồn mở GitHub với giá 7,5 tỷ USD; hãng sản xuất chip Broadcom mua lại công ty sản xuất phần mềm CA Inc với giá gần 19 tỷ USD; hay Adobe chấp nhận chi 5 tỷ USD để sở hữu doanh nghiệp sản xuất phần mềm tiếp thị Marketo.
Một trong những đối thủ cạnh tranh chính của IBM là Dell Technologies, cũng dồn rất nhiều niềm tin và vốn đầu tư vào lĩnh vực phần mềm và điện toán đám mây từ hai năm trước, khi mua lại công ty lưu trữ dữ liệu EMC với giá 67 tỷ USD mà nhờ đó Dell còn được thừa hưởng 82% cổ phần trong công ty phần mềm Vmware.
Hải Châu