Dây chuyền lắp ráp tại hãng sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc này bị dừng lại từ sáng sớm cho tới tận đêm ngày 26/9. Các công nhân dự kiến sẽ tiếp tục đình công từ thứ Ba đến thứ Sáu, mỗi ngày 6 tiếng.
Vẫn câu chuyện lương thưởng
Khoảng 50.000 nhân viên của Hyundai - nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc, đã tham gia vào các cuộc đình công toàn nhà máy, sau khi công đoàn và lãnh đạo công ty thất bại trong quá trình đàm phán về chế độ thù lao.
Đây là cuộc đình công quy mô lớn nhất xảy ra với Hyundai kể từ năm 2004. Dây chuyền lắp ráp tại hãng sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc bị dừng lại từ sáng sớm cho tới tận đêm ngày 26/9. Cổ phiếu của Hyundai ngay lập tức giảm 1,4%, xuống còn 140.000 won/cổ phiếu tại Seoul.
Thông cáo báo chí của Hyundai Motor cho biết: “Mặc dù hoàn toàn thất vọng với việc phải tạm thời ngừng sản xuất, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với công đoàn lao động nhằm giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể”.
Hiện tại, cuộc đình công đang diễn ra tại ba nhà máy ở Ulsan, Jeonju và Asan - những nơi đóng góp tổng cộng tới 40% sản lượng năm 2015 của Hyundai và một trong số đó, Ulsan là cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty này trên phạm vi toàn cầu.
Hàn Quốc, Mỹ, Trung Đông và các thị trường châu Á khác sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố gián đoạn nguồn cung này; trong khi thị trường Trung Quốc may mắn hơn vì có một nhà máy của Hyundai đặt tại đây và vẫn hoạt động bình thường. Các dòng xe đang bị tắc trên các dây chuyền sản xuất gồm có Tucson, Santa Fe và cả xe sang Genesis.
Công nhân tại Kia Motors, hãng sản xuất ôtô lớn thứ 2 tại Hàn Quốc thuộc sở hữu của tập đoàn Hyundai, cho biết cũng sẽ tổ chức đình công, với quy mô không ở mức toàn nhà máy, trong 3 ngày để yêu cầu lãnh đạo công ty tăng lương.
Hyundai hiện là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc
Vài tháng trở lại đây, một số cuộc đình công nhỏ lẻ đã khiến sản lượng của Hyundai giảm 100.000 chiếc, với giá trị hơn 2.200 tỷ won (tương đương 1,8 tỷ USD), trong bối cảnh hãng này đang phải tìm cách vực dậy doanh số tại các thị trường chủ chốt.
Bộ Thương mại Hàn Quốc dự báo hoạt động xuất khẩu ôtô của nước này có thể bị tổn thất kỷ lục 1,3 tỷ USD trong năm 2016, nếu cuộc đình công hiện tại ở Hyundai vẫn tiếp diễn cho đến cuối tuần như kế hoạch.
Vận hạn của DN Hàn Quốc
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Hyundai đang nỗ lực mọi cách có thể để lật ngược tình thế khó khăn. Công ty đã trải qua 10 quý liên tiếp giảm sút lợi nhuận và không đạt được mục tiêu doanh số bán hàng trong hai năm liên tiếp. Nhu cầu nội địa đối với sản phẩm Hyundai giảm 18% trong tháng 8/2016 so với một năm trước đó, tiếp sau đà giảm 20% trong tháng 7.
Một ngày đình công hôm 26/9 được đánh giá là gây thiệt hại cho Hyundai 160 tỷ won và 7.200 xe lỡ tiến độ xuất xưởng. Thông thường, sau khi đình công kết thúc, Hyundai có thể gỡ gạc lại phần nào nhờ tăng ca sản xuất.
Trong khi hầu hết mọi người tỏ ra lo lắng cho Hyundai, thì vẫn có một số chuyên gia tỏ ra lạc quan, khi cho rằng đình công cũng giúp Hyundai điều tiết được lượng hàng tồn kho đang tăng cao. Số ôtô tồn kho phục vụ thị trường Mỹ đang ở mức tương đương lượng cung trong 3,6 tháng, cao hơn mức 3,1 tháng của một năm trước đó, mà nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tiêu thụ sụt giảm.
Sự cố đình công của Hyundai đã bôi thêm một vết đen nữa vào vận hạn của doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian qua. Trong khi Samsung Electronics đang quay cuồng thu hồi Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu vì pin phát nổ, thì Hanjin Shipping, hãng vận tải lớn nhất của nước này, đứng cheo leo trên bờ vực phá sản.
Ba hãng đóng tàu Hàn Quốc, bao gồm cả đại gia Hyundai Heavy Industries, cũng phải tái cơ cấu nợ nếu không muốn theo chân Hanjin Shipping.
Hải Châu