Thỏa thuận trên cũng đồng thời mở đường cho một khoản vay mới trị giá 10 tỷ EUR mà Hy Lạp có thể sử dụng, để tái cấp vốn cho các ngân hàng trong nước đang gặp khó khăn.
12 tỷ EUR chờ quốc hội Hy Lạp
Theo các điều khoản của gói cứu trợ tài chính 86 tỷ EUR có được cách đây vài tháng, Hy Lạp sẽ phải thực hiện 48 nội dung cải tổ lớn, nhằm đổi lấy 2 tỷ EUR dưới dạng các khoản vay, để chính phủ có tiền trả lương cho người lao động và giải quyết các khoản nợ trong nước.
Việc hoàn tất những cam kết đầu tiên về cải cách đó, bên cạnh một số thay đổi liên quan đến lĩnh vực tài chính, là điều kiện tiên quyết để Hy Lạp tiếp tục nhận được 10 tỷ EUR bổ sung mà các chủ nợ dành riêng cho hệ thống ngân hàng của nước này.
“Chúng tôi đã đạt được sự nhất trí về mọi vấn đề, bao gồm tất cả 48 nội dung cải tổ”, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Euclid Tsakalotos, vui mừng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc quan trọng lúc này là quốc hội Hy Lạp phê chuẩn luật hóa các cam kết cải tổ. Nếu mọi việc suôn sẻ, các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro có thể ký giải ngân 12 tỷ EUR ngay trong dịp cuối tuần.
Trong tháng 10 vừa qua, một cuộc kiểm tra của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã kết luận rằng 4 ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp cần được bơm thêm tới 14,4 tỷ EUR để bảo đảm nguồn lực tài chính.
Vài tháng trở lại đây, các quan chức châu Âu và Hy Lạp đều nhấn mạnh rằng quá trình tăng vốn của các ngân hàng phải được hoàn tất trước thời điểm cuối năm, trước khi quy định mới của châu Âu có hiệu lực, mà theo đó người gửi tiền không có bảo hiểm sẽ phải tự chấp nhận thiệt hại chứ không được bảo vệ như trước.
Tuy nhiên, việc Athens có thể đạt được thỏa thuận tái cấp vốn trong năm 2015 hay không từng bị đặt dấu hỏi lớn bởi các vòng đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và đại diện giám sát cứu trợ, thay mặt cho chính phủ các nước khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiến triển rất chậm chạp.
Hai bên đã vấp phải bất đồng về một số vấn đề quan trọng, trong đó có bộ quy tắc mới về việc ngân hàng có thể tịch thu tài sản thế chấp của những khách vay mất khả năng chi trả.
Sau 2 tuần thương lượng gay go với các chủ nợ, Hy Lạp đã có được kết quả khả quan
Không “o bế” người đi vay
Sở dĩ các chủ nợ của Hy Lạp muốn áp dụng biện pháp mạnh như vậy là bởi họ tin rằng lâu nay “thủ phạm” gây ra nhiều khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hy Lạp là những người có thể trả nợ thế chấp nhưng cố tình “dây dưa” để lợi dụng kẽ hở luật pháp Hy Lạp, trong đó việc ra quyết định tịch thu tài sản thường phải mất nhiều năm trời.
Chính phủ Hy Lạp đương nhiên muốn bảo vệ người dân trước nguy cơ mất nhà, mất cửa, nhưng các chủ nợ lại cho rằng phương án của Athens quá “o bế” người đi vay và như thế sẽ khuyến khích họ chây ì trả nợ, đồng nghĩa với việc tiếp tục làm suy yếu hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng, hai bên cũng đồng ý với một cách giải quyết dung hòa, là chỉ bảo vệ 25% số hộ gia đình khó khăn nhất. 35% nữa sẽ được bảo vệ một phần, tùy thuộc họ có đáp ứng các tiêu chuẩn khác, như thu nhập hay giá trị của ngôi nhà thế chấp hay không.
“Chúng tôi đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng để bảo vệ tài sản cư trú không chỉ của người dân nghèo mà còn của tầng lớp trung lưu. Chúng tôi đã làm hết sức mình để bảo vệ sự gắn kết và ổn định xã hội”, một quan chức cấp cao của Hy Lạp cho biết.
Mặc dù đây chỉ là một trong số nhiều vướng mắc giữa Athens và chủ nợ, nhưng tính cấp thiết của nó lại đặc biệt quan trọng, vì sức ép thời gian để hoàn thành tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp.
Những bất đồng khác trong quá trình đàm phán đối với một số lĩnh vực, như quản lý quỹ cứu trợ dành cho ngân hàng Hy Lạp, cũng dần được tháo gỡ. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến cách xử lý nợ xấu được để lại cho phiên đàm phán tiếp theo, mà nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng cuối năm.
Hùng Anh