Dự kiến thu ngân sách của Hy Lạp sẽ tăng thêm 200 triệu EUR, nhờ điều chỉnh giảm ngưỡng miễn thuế thu nhập từ 9.100 EUR xuống còn 8.363 EUR.
Quan điểm trái chiều giữa các đảng phái
Tỷ lệ sát sao 153 phiếu thuận/ 144 phiếu chống đã cho thấy cuộc tranh luận hai ngày cuối tuần đã diễn ra căng thẳng như thế nào tại Quốc hội Hy Lạp.
Bên ngoài tòa nhà quốc hội, những người phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tiếp tục biểu tình sang ngày thứ ba, dẫu biết rằng chính phủ đang phải đáp ứng những “điều kiện cần” đã thỏa thuận với EU và IMF, để nhận được cứu trợ tài chính.
Tuy nhiên, không ít đại biểu phe cánh tả đối lập lại lên tiếng bảo vệ quy định mới về chế độ hưu trí, bởi nó vừa bảo đảm duy trì hệ thống lương hưu hiện tại, vừa bổ sung cho những người có thâm niên 20 năm làm việc trở lên một khoản tiền 384 EUR mỗi tháng. “Đây là thành quả tốt nhất mà các chính phủ tiền nhiệm chưa thể làm được, nhất là trong bối cảnh các chủ nợ đều phản đối”, Bộ trưởng công nghiệp - ông Panos Scourletos, cho biết.
Quá trình rà soát việc đáp ứng điều kiện nhận cứu trợ của Hy Lạp lẽ ra đã xong cách đây một thời gian. Nhưng càng về giai đoạn cuối, IMF và Đức lại muốn Athens cam kết thêm rằng sẽ dành ra 3,5 tỷ EUR “biện pháp dự phòng” trong trường hợp áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng rồi mà vẫn chưa đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách mà gói cứu trợ đặt ra.
Yêu cầu này bắt nguồn từ sự bất đồng giữa IMF và EU. Cụ thể, trong khi EU nhận định các cam kết hiện nay của Hy Lạp đã đủ để đạt được thặng dư ngân sách 3,5% GDP vào năm 2018, thì tính toán của IMF lại cho kết quả chỉ là 1,5%. Vì thế mà trong một bức thư gửi bộ trưởng tài chính các nước eurozone, Tổng Giám đốc IMF bà Christine Lagarde, cho rằng Hy Lạp cần phải luật hóa “biện pháp dự phòng”, thì IMF mới an tâm đóng góp vào gói cứu trợ.
Ngay lập tức, Hy Lạp phản bác, vì làm như vậy là trái hiến pháp. Ngay cả Ủy ban châu Âu (EC) cũng đồng tình với đề xuất của Hy Lạp, rằng nước này sẽ chỉ cắt giảm chi tiêu nếu gói cứu trợ không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, IMF và Đức không đồng ý với lý do cắt giảm mà thiếu mục tiêu, lộ trình cụ thể sẽ chỉ như “đấm vào không khí” mà không có tác dụng gì cả. Nút thắt này khiến quá trình đàm phán lâm vào bế tắc.
![]() |
Thủ tướng Hy Lạp cũng phải đầu hàng trước các chủ nợ
Thời gian là vàng là bạc
3,5 tỷ EUR, tương đương 2% GDP của Hy Lạp, là một số tiền không hề nhỏ. Đặc biệt, Thủ tướng Tsipras đã hứa với cử tri rằng sẽ phản đối mọi yêu cầu thắt lưng buộc bụng bổ sung. Nếu IMF vẫn muốn “làm căng”, Hy Lạp có thể phải tổ chức bầu cử sớm, hoặc trưng cầu dân ý, giống như thời điểm nước này suýt rời EU cuối năm ngoái.
Thế giằng có khiến quá trình rà soát của các chủ nợ bị chậm tiến độ tới 6 tháng và làm lãng phí thời gian - một yếu tố quan trọng không kém gì tiền bạc đối với Hy Lạp vào lúc này.
Tháng Bảy tới, 3,5 tỷ EUR trái phiếu đang nằm trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đáo hạn, mà Hy Lạp chưa biết xoay đâu ra đủ tiền thanh toán. Giới chức nước này bức xúc đổ lỗi cho IMF làm mọi việc dậm chân tại chỗ, bởi cả EC và ECB đều thừa nhận Hy Lạp đã làm tròn vai của mình.
Xóa nợ cũng là một yêu cầu lâu nay của chính phủ Hy Lạp, để đổi lấy việc tuân thủ các biện pháp thắt lưng buộc bụng bổ sung. Chủ đề này cũng sẽ được EU và IMF đem ra thảo luận trong phiên họp khẩn cấp.
Tín hiệu tích cực cho chính phủ Hy Lạp là các chủ nợ đã hứa hẹn rằng chỉ cần đạt được thỏa thuận về việc giải ngân cứu trợ, các bên sẽ tiếp tục đàm phán các hình thức giảm nợ cho Hy Lạp, như áp dụng lãi suất ưu đãi hay kéo dài thời hạn trả nợ.
Hải Châu