![]() |
Số lượng nhà bị tịch biên ngày một tăng tại Hồng Kông
Cơ quan quản lý tiền tệ Hông Kông cũng xác nhận số lượng các căn nhà có giá trị thấp hơn số tiền đang trả cho chúng ngày một nhiều hơn.
Theo thống kê, số lượng các bất động sản giảm giá so với số tiền vay ban đầu để mua đã lên tới 1.432 đơn vị, vào cuối tháng 3 năm nay. Kể từ quý IV năm ngoái, số lượng các khoản nợ quá hạn của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đã có dấu hiệu tăng đột biến và kèm theo đó là các vụ tịch biên nhà cũng tăng lên.
Theo thông tin từ chủ tịch Hiệp hội Tài chính Bất động sản Hồng Kông (HKPFA), ông Alfred Lam, trung bình hiện nay cứ 100 khoản vay thì lại có 10 trường hợp người đi vay không thể trả lãi đúng hạn. Con số này vào năm 2015 chỉ là 5 hoặc 6 trường hợp. Số lượng nhà bị tịch biên cũng tăng lên 4/100 trường hợp. Năm 2015, con số này chỉ là 2 hoặc 3.
Đối với một thành phố mà lĩnh vực bất động sản chiếm đến 1/5 giá trị kinh tế như Hồng Kông, bất kỳ một sự thay đổi nào về thị trường bất động sản cũng gây nên những ảnh hưởng to lớn. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội của Hồng Kông đã giảm 0,4% trong quý đầu năm nay.
Những thay đổi này cũng đặt ra câu hỏi liệu chính quyền Hồng Kông có cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ hơn các công ty tài chính phi ngân hàng hay không. Hiện nay, các ngân hàng ở Hồng Kông đang phải chịu quy định từ chính quyền trung ương Trung Quốc khống chế mức cho vay tối đa là 60% giá trị của tài sản.
Tuy nhiên, các quy định này lại không áp dụng đối với các công ty tài chính và các nhà xây dựng. Đây là cơ sở để nhiều tổ chức sẵn sàng cho người mua vay 90, 95 hoặc có khi là hơn 100% giá trị tài sản. Đây là điều tốt, nếu giá bất động sản tăng theo thời gian. Tuy nhiên, khi giá nhà và nền kinh tế sụt giảm, nó trở thành gánh nặng cho các hộ gia đình đi vay. Giá nhà ở Hồng Kông đã giảm tới 11% so với tháng 9/2015.
Chí Hiếu