Gói kích thích gồm giảm thuế, tăng chi trả an sinh xã hội và hỗ trợ giáo dục. Họ cũng sẽ miễn một số phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tiền thuê tại các cơ sở do chính quyền quản lý và tạo thêm nhiều dự án cộng đồng.
"Cùng các biện pháp đã thông báo trong kế hoạch ngân sách 2019 – 2020, gói kích thích này sẽ tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Hong Kong trước các thách thức nảy sinh từ bất ổn kinh tế", người phụ trách tài chính của Hong Kong - Paul Chan hôm qua cho biết.
Giới chức Hong Kong vừa công bố gói kích thích 19 tỷ đô la Hong Kong để duy trì việc làm, giảm "gánh nặng tài chính cho mọi người" (Ảnh Internet) |
Hong Kong chỉ tăng trưởng 0,6% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái - thấp nhất một thập kỷ. So với quý trước, GDP thậm chí giảm 0,3%. Nếu tiếp tục đi xuống trong quý III, thành phố 7 triệu dân này sẽ rơi vào suy thoái.
Các cuộc biểu tình tại đây đã kéo dài sang tuần thứ 10, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, khiến gần 1.000 chuyến bay phải hủy bỏ và làm nhiều nhà đầu tư e ngại. Giới chức đánh giá các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế của Hong Kong, gây tổn hại đến ngành bán lẻ, nhà hàng và du lịch, tăng sức ép lên nền kinh tế vốn đã chịu tác động từ chiến tranh thương mại leo thang, rủi ro địa chính trị và bất ổn trên thị trường.
Chính quyền Hong Kong vì thế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 về 0 – 1%, thay vì 2 – 3% trước đây. "Kinh tế Hong Kong chịu sức ép lớn trong quý II. Tình hình còn nghiêm trọng hơn trong vài tháng gần đây", thông báo của giới chức nước này cho biết.
Hong Kong là quê hương của 7 công ty Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới về doanh thu). Thành phố này cũng là nơi đặt trụ sở châu Á của nhiều công ty đa quốc gia. Các cuộc biểu tình đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn thiệt hại về tài chính, như Disney, HSBC, Prada, Swatch hay Cathay Pacific. Ngành bất động sản tại đây cũng chịu tác động nghiêm trọng.
VT (Theo VnExpress)