Than đá được chờ đợi sẽ là một chủ đề quan trọng tại cuộc họp dự kiến bắt đầu vào ngày 23/9 tại New York, nơi đại diện 63 quốc gia sẽ có bài phát biểu, theo dự thảo chương trình họp.
Trong các bức thư và trao đổi với các nguyên thủ quốc gia, ông António Guterres đã yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cam kết không phát thải ròng vào năm 2050.
Điển hình tốt mới được phát biểu
Hàng chục nguyên thủ quốc gia, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đưa ra các cam kết mới về mục tiêu biến đổi khí hậu trong các bài phát biểu của mình (mỗi bài kéo dài 3 phút). Đây được xem là một chương trình “hoành tráng” về khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh lần này còn thu hút bởi sự vắng mặt trên bục phát biểu của nguyên thủ một số quốc gia đang tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than mới, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi. Ngoài ra, Mỹ, Brazil, A-rập Xê-ut - những quốc gia đã tuyên bố ý định rút lui hoặc chỉ trích thỏa thuận khí hậu Paris cũng không xuất hiện trên sân khấu.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed khẳng định “Chỉ có những quốc gia hành động quyết liệt nhất và có nhiều chuyển biến nhất mới được lên phát biểu”.
Yêu cầu cụ thể từ vị Tổng thư ký có phần khắt khe hơn thỏa thuận khí hậu Paris, trong đó các quốc gia được tự do lựa chọn nguồn nhiên liệu và các mục tiêu khí hậu mà mỗi nước cho là phù hợp với điều kiện của mình.
Ông Chris Littlecott - Phó Giám đốc E3G, một tổ chức vì môi trường có trụ sở tại London, cho rằng ông Guterres đã tự làm khó mình, nhưng vì mục đích tốt và việc gặp phải phản ứng từ một số nhà hoạch định chính sách là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo chương trình nghị sựdự kiến, một số quốc gia sử dụng nhiều than đá như Trung Quốc và Ấn Độ - hai “đầu tàu” của thế giới về xây dựng nhà máy điện than mới, vẫn sẽ phát biểu tại hội nghị.
Trung Quốc đang chịu áp lực phải xây dựng một mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, trong khi Ấn Độ cuối cùng cũng đã ra thông cáo trong tuần này kêu gọi thêm hỗ trợ tài chính để đối phó biến đổi khí hậu.
![]() |
Hội nghị thượng đỉnh lần này yêu cầu các quốc gia ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới |
Bài kiểm tra quan trọng
Các quốc gia thành viên ký kết thỏa thuận khí hậu Paris cam kết hạn chế trái đất nóng lên dưới 2oC. Tuy nhiên, các cam kết hiện tại lại chưa đạt được yêu cầu về cắt giảm khí thải và vì thế, đến cuối thế kỷ này, thế giới có thể nóng lên hơn 3oC.
Lượng khí thải CO2 toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái, khi lượng than tiêu thụ gia tăng. Hơn 100 nhà máy điện than đang trong quá trình xây dựng.
Ngay cả khi châu Âu và Bắc Mỹ đã giảm sử dụng than đá thì nhiều khu vực ở châu Á vẫn đang xây dựng các nhà máy điện than mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 23/9 sẽ là một bài kiểm tra quan trọng về việc liệu các thành viên của thỏa thuận khí hậu Paris (hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới) có sẵn sàng giảm phát thải một cách quyết liệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và căng thẳng thương mại liên tục gia tăng.
Năm ngoái, một báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy việc hạn chế trái đất nóng lên 1,5oC sẽ đòi hỏi phải giảm sử dụng than xuống gần như bằng 0 và giảm lượng khí thải ròng xuống mức 0 vào giữa thế kỷ này.
Bà Rachel Kytec - Giám đốc điều hành Sustainable Energy for All và đồng thời là đặc phái viên Liên Hợp Quốc, cho rằng ông Guterres đang sử dụng tiếng nói có trọng lượng của mình trong vai trò Tổng thư ký để thúc đẩy quyết liệt vấn đề này. Và, có lẽ điều đó sẽ khiến cho một số người cảm thấy không hài lòng.
Hải Châu