Đầu năm 2017, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị “dội một gáo nước lạnh”, khi Tổng thống Donald Trump - người vừa ngồi vào ghế lãnh đạo nước Mỹ chưa lâu, ký quyết định rút khỏi Hiệp định này với lý do muốn bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Động lực cho các thành viên còn lại
Mất một thời gian vượt qua cú sốc đó, 11 quốc gia còn lại đã ngồi lại với nhau để bàn về hướng đi tiếp theo. Nhờ sự hăng hái, quyết tâm thúc đẩy của một số nước như Nhật Bản, tất cả các thành viên đã nhất trí hoàn thiện các nội dung cam kết và đổi tên TPP thành CPTPP vào tháng 1/2018, tại Tokyo (Nhật Bản), sau đó là đặt bút ký vào tháng 3 tại Santiago (Chile).
CPTPP có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước ký kết, hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định, tùy trường hợp nào cho giá trị nhỏ hơn, thông báo cho cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình (New Zealand hiện là nước thực hiện nhiệm vụ lưu chiểu).
Hôm 30/10 vừa qua, New Zealand cho biết đã nhận được thông báo của Australia về việc phê chuẩn CPTPP và chính là nước thứ 6 hoàn tất thủ tục trong nước, sau Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore và New Zealand.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker bày tỏ hy vọng các quốc gia thành viên còn lại cũng sẽ nhanh chóng phê chuẩn CPTPP trong thời gian tới. Được biết, Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam đều đang xúc tiến các thủ tục nội bộ của mình.
Là quốc gia góp phần kích hoạt hiệu lực CPTPP, Australia tin tưởng Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp của nước này, hiện đã đạt giá trị hơn 52 tỷ đô la Australia (tương đương 36,91 tỷ USD) trong năm nay, cho dù khu vực bờ đông đang phải chịu cảnh hạn hán. Khi thời tiết thuận lợi trở lại, thị trường rộng mở hơn và giá cả sẽ tốt hơn cho người nông dân.
Với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 14% GDP toàn cầu, CPTPP là cơ hội lớn để 11 quốc gia thành viên tăng cường lợi ích và vị thế thương mại của mình, nhất là trong thời điểm nhạy cảm của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự kiện Brexit đang diễn ra ở châu Âu. Đây cũng là một tin vui cho những người ủng hộ thương mại đa phương, toàn cầu hóa.
CPTPP đã trụ vững và đạt được cột mốc đáng khích lệ |
Chạy đua với thời gian
Từ chỗ bị nghi hoặc về khả năng tồn tại, CPTPP đã trụ vững và đạt được cột mốc đáng khích lệ. Một số nước như Nhật Bản xem đây là chiến thắng ý nghĩa trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và bày tỏ hy vọng Washington sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc tham gia trở lại.
Các quốc gia thành viên CPTPP đã phải tăng tốc quy trình phê chuẩn trong nước với mục tiêu làm sao CPTPP có hiệu lực ngay trong năm nay.
Điều đó có nghĩa vòng cắt giảm thuế thứ hai sẽ được áp dụng luôn từ ngày 1/1/2019, thời điểm mà hầu hết các nước thông báo kế hoạch thuế quan hàng năm của mình (ngoại trừ Nhật Bản là ngày 1/4 hàng năm).
Theo quy định của TPP cũ, để Hiệp định có hiệu lực, tổng GDP của các nước triển khai phải bằng 85% tổng GDP của 12 nước đã ký từ năm 2013. Như vậy, với tình huống Mỹ, quốc gia chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút lui khỏi TPP, thì 11 nước còn lại phải thay đổi điều khoản hiệu lực của CPTPP như đã đề cập ở trên.
Sự thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi để CPTPP có thể dễ dàng được thực hiện trong bối cảnh mới. Ngoài ra, Hiệp định mới còn bổ sung các quy định về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai, tạo tính linh hoạt của Hiệp định và có thể sẵn sàng cho những đợt kết nạp thành viên mới.
Đến nay, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Indonesia được cho là nằm trong số những nước quan tâm tham gia CPTPP, trong khi Colombia là nước đầu tiên chính thức bày tỏ nguyện vọng.
Hải Châu