Ông Kim Sang-jo - người mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KFTC) dưới thời tân tổng thống Moon Jae-in, cho biết mạng lưới sở hữu chéo giữa các công ty thành viên của Hyundai sẽ dẫn đến “rủi ro quản trị lớn” cho tập đoàn lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Không sớm thì muộn
Người đàn ông được mệnh danh là khắc tinh của các “chaebol” (những tập đoàn gia đình trị khổng lồ của Hàn Quốc) đã có nhiều cuộc tiếp xúc với ban lãnh đạo Huyndai và yêu cầu nhắc nhở tập đoàn này không nên trì hoãn việc thay đổi cơ cấu sở hữu.
Vấn đề sở hữu chéo giữa các công ty gia đình đang là một trong những bài toán hóc búa nhất hiện nay ở Hàn Quốc. Khi một công ty mất khả năng thanh khoản, ngay lập tức sẽ có “người anh em” nào đó nhảy vào cuộc để giải cứu.
Chính tình trạng này đã đặt dấu hỏi lớn về tính cạnh tranh lành mạnh của các công ty Hàn Quốc. Đối với trường hợp của Hyundai, chủ tịch hãng này đang nắm giữ trong tay cổ phần của hầu hết các công ty con chủ chốt, như Hyundai Motor (sản xuất ôtô), hay Hyundai Mobis (cung cấp phụ tùng).
Những năm gần đây, nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đã tự giác chấn chỉnh quan hệ sở hữu chéo trong nội bộ, trong khi Hyundai có vẻ như vẫn “cứng đầu” chưa chịu thay đổi.
![]() |
Hyundai Motor Group - một trong những “chaebol” của Hàn Quốc
Ông Kim cho biết: “Hyundai thừa hiểu sẽ không thể tồn tại mãi với kiểu quan hệ sở hữu vòng quanh như hiện tại… Thật là thiếu khôn ngoan, nếu không đoái hoài gì đến kỳ vọng của thị trường và chính phủ”.
Không chỉ có cơ cấu sở hữu “loằng ngoằng”, một số chaebol còn ưu tiên cho công ty con thông qua những giao dịch nội bộ, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho doanh nghiệp bên ngoài tập đoàn trong cùng lĩnh vực. Chiêu bài này cũng đang bị cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa vào diện điều tra.
Hàng loạt mục tiêu khác nhau
Hyundai là trường hợp mới nhất, song không phải là “mục tiêu” duy nhất của giới chức Hàn Quốc.
Trước đó, ông Kim Sang-jo đã từng đứng ra làm chứng trong vụ án hối lộ của lãnh đạo tập đoàn Samsung Jay Y. Lee, người bị bắt giam từ tháng 2, với cáo buộc mua chuộc cựu tổng thống Park Geun-hye.
Ông Kim hy vọng, trường hợp của người thừa kế Samsung sẽ là tấm gương “tày liếp” cho các tập đoàn khác trong quá trình ra các quyết định liên quan tới các công ty con của mình.
Ông Kim cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác thực thi pháp luật, phát huy tối đa quyền lực điều tra của KFTC, thay vì yêu cầu sửa đổi luật (đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in không đủ đa số ghế tại Quốc hội).
Bài học từ thất bại của cuộc cải cách chaebol khốc liệt dưới thời tổng thống Roh Moo-hyun cách đây gần chục năm vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài việc điều tra các chaebol trong nước, cơ quan giám sát chống độc quyền của Hàn Quốc cũng đang xem xét các vấn đề cạnh tranh liên quan đến hệ điều hành di động Android của Google và có những cuộc trao đổi với Ủy ban châu Âu để “học hỏi kinh nghiệm”.
Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã truy tố Google vì lợi dụng Android để ngăn cản các đối thủ và dự kiến sẽ buộc hãng phải chịu một khoản phạt kỷ lục vào cuối năm nay.
Tại Hàn Quốc, hệ điều hành Android chiếm tới 74% thị phần, khiến nhiều người hoài nghi Google có thể tận dụng ưu thế này để cản trở các công ty Hàn Quốc, như Samsung Electronics, phát triển hệ điều hành riêng.
Tháng 12 năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã phối hợp với Ủy ban châu Âu tiến hành điều tra và ra án phạt Qualcomm hơn 1.000 tỷ Won (tương đương 854 triệu USD), về hành vi phản cạnh tranh trong quá trình cấp phép bằng sáng chế và kinh doanh chip modem.
Hải Châu