Theo dự đoán của ngân hàng đầu tư Barclays, thị trường xe điện toàn cầu sẽ tăng trưởng liên tục từ 4,3 tỷ USD năm 2014 lên 12,4 tỷ USD vào năm 2020.
Những đích ngắm táo bạo
Theo mục tiêu mà Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) đề ra đến năm 2020, số lượng xe lai điện, xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro sẽ chiếm 20% tổng số ôtô được tiêu thụ trên cả nước - một đích ngắm táo bạo nếu so với mức 2% hiện tại.
Bộ trưởng MTIE cho biết đây là một phần của chương trình cắt giảm 3,8 triệu tấn khí thải nhà kính do các phương tiện giao thông xả ra môi trường, tương đương 11%, trong vòng 5 năm tới ở Hàn Quốc.
Dường như xe điện không được chào đón nhiệt tình lắm ở Hàn Quốc như ở các thị trường tiên tiến khác do giá cả đắt đỏ, số lượng trạm tiếp điện còn hạn chế, trong khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng sử dụng loại phương tiện này để thay thế xe hơi truyền thống.
Hàn Quốc đã và đang cố gắng thúc đẩy lượng tiêu thụ xe điện thông qua nhiều chương trình hỗ trợ người tiêu dùng và đặt chỉ tiêu kể từ năm 2015, số lượng xe không động cơ đốt trong này phải chiếm ít nhất 25% tổng số xe công vụ mà chính phủ Hàn Quốc mua sắm mới.
Trong dự án thúc đẩy sự xuất hiện của xe “xanh” trên đường phố, Hàn Quốc cho biết sẽ phấn đấu thay thế toàn bộ 370.000 xe đang lưu thông trên đảo Jeju bằng loại xe điện trước năm 2030.
Thông tin từ MTIE cho hay trong vòng 5 năm tới, Bộ này sẽ dành ra 150 tỷ Won (xấp xỉ 2.900 tỷ đồng) để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ôtô nội địa nâng cao chất lượng xe điện, tăng độ dài quãng đường di chuyển và giảm giá bán xe chạy pin nhiên liệu, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận người tiêu dùng. Song song với đó, MTIE dự định sẽ xây dựng 1.400 trạm tiếp điện cho xe điện và 80 trạm cho xe chạy pin nhiên liệu trên quy mô toàn quốc từ nay đến năm 2020.
Quyết sách của chính phủ Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô đang cố gắng chế tạo và thử nghiệm thế hệ xe hơi mới thân thiện với môi trường hơn, nhằm tuân thủ quy định khắt khe của cơ quan quản lý, đặc biệt là sau khi vụ bê bối gian lận khí thải của hãng xe hơi danh tiếng Volkswagen bị phanh phui, gây chấn động thế giới cách đây 2 tháng.
![]() |
BlueOn - một mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện của Hyundai
DN không đứng ngoài cuộc chơi
Trong tháng 11 vừa qua, Kia Motors đã công bố kế hoạch tăng số mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu trong vòng 5 năm tới, từ 4 mẫu hiện nay lên 11 mẫu vào năm 2020, nhằm đáp ứng các yêu cầu về khí thải cũng như nâng cao hình ảnh và tính cạnh tranh của mình.
Trong khi đó, Hyundai, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 5 thế giới sau khi sáp nhập với Kia, cũng dự định tăng gấp 3 lần số mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu lên con số 22 trong cùng khoảng thời gian trên, nhằm thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về một thương hiệu lâu nay ít quan tâm tới môi trường.
Quay trở lại thời điểm đầu năm 2015, Kia và Hyundai từng tiết lộ khoản đầu tư 11.300 tỷ Won vào các dự án sản xuất ôtô thân thiện với môi trường trong 3 năm, nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường phương tiện “xanh” đang bị thống trị bởi các đối thủ Nhật Bản, như Toyota.
Trong xu thế toàn cầu hướng đến sản xuất ôtô “xanh”, lượng khí thải carbon của Kia và Hyundai trong năm 2014 vẫn cao hơn năm trước, đặt ra nhiều thách thức cho hai công ty này, nếu muốn làm hài lòng những thị trường khó tính như châu Âu.
Châu Âu vốn nổi tiếng với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và các quy định bảo vệ môi trường cũng không phải ngoại lệ. EU đặt mục tiêu đến năm 2021, các công ty sản xuất ôtô phải bảo đảm giảm lượng khí thải CO2 của những chiếc xe xuất xưởng xuống 95g/km. Doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu sẽ bị phạt 95 EUR cho mỗi gram CO2 vượt quá giới hạn, nhân với lượng ôtô đã tiêu thụ.
Hùng Anh