Đây là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Hàn Quốc trong 3 năm qua, kể từ mức 0,3% năm 2009 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Năm 2011, tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 3,7%.
Số liệu của BOK cho thấy tiêu dùng cá nhân tăng 1,7% trong năm 2012, so với mức tăng 2,4% năm 2011. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng năm 2012 giảm 1,9% và đầu tư xây dựng giảm 2,2%. Xuất khẩu, chiếm 50% GDP của Hàn Quốc, tăng 4,2% trong năm 2012, sau khi tăng 9,1% trong năm 2011.
BOK dự kiến tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 ở mức 2,8%. Với lạm phát ở mức 1,4%, dưới mức dự kiến 2,5 - 3,5%, BOK dự tính giảm lãi suất vào cuối quý II nếu kinh tế còn khó khăn.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đưa ra gói kích thích trị giá 10.000 tỷ won (9 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thặng dư thương mại ổn định
Tháng 2 vừa qua là tháng thứ 13 liên tiếp Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại, cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này vẫn duy trì được sự ổn định cần thiết.
Số liệu công bố ngày 14/3 của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết trong tháng qua, thặng dư thương mại của nước này đạt 2 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với mức 476 triệu USD tháng trước.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 vừa qua giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 40,3 tỷ USD.
Các hàng hóa xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc vẫn là thiết bị viễn thông như điện thoại thông minh (tăng 2,7%), chip điện tử (tăng 1,1%) và hóa chất (tăng 4,2%).
Trong khi đó, xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc giảm mạnh tới 15,6% do nhu cầu sụt giảm tại các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.
Trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 0,5% lên 88 tỷ USD trong khi nhập khẩu giảm 3,2% xuống còn 85,5 tỷ USD.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kinh tế Hàn Quốc, nước này đã đạt mức thặng dư kỷ lục trong buôn bán phụ tùng và nguyên vật liệu công nghiệp trong năm 2012, nhờ giảm mạnh nhập khẩu và giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản.
![]() |
Năm qua, thặng dư thương mại trong ngành phụ tùng và nguyên liệu công nghiệp của Hàn Quốc đạt 91 tỷ USD, mức cao kỷ lục, trong khi mức của năm 2011 là 86,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giảm 0,7% xuống còn 253,4 tỷ USD bởi cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu và tăng trưởng chậm tại Trung Quốc. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu còn giảm mạnh hơn, với tốc độ 3,6%.
Theo Bộ Kinh tế Hàn Quốc, đây là những nguyên nhân khiến nước này đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Nhật Bản trong năm 2012 ở mức 22,2 tỷ USD, tiếp tục giảm sau mức thâm hụt tới 24,3 tỷ USD năm 2010.
Sản lượng công nghiệp giảm lần đầu
Trước đó hồi cuối tháng 2 ,theo số liệu được Văn phòng thống kê Hàn Quốc công bố, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 1/2013 đã giảm lần đầu tiên trong 3 tháng qua, do nhu cầu sử dụng chíp và màn hình hiển thị trong ngành công nghiệp điện thoại di dộng giảm.
Sự sụt giảm này đã làm giảm hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế lớn thứ 4 này của châu Á.
Sản lượng của tất cả ngành công nghiệp Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua đã giảm 0,7% so với tháng 12/2012, trong đó, sản lượng ngành công nghiệp khai mỏ, chế tạo, khí đốt và điện giảm 1,5% (sau khi đã được điều chỉnh theo mùa), sản lượng các thiết bị điện như điện thoại di động giảm 10,1%, sản lượng máy tính cũng giảm 4,4%.
Sản lượng công nghiệp giảm là điều ngoài dự tính bởi các nhà theo dõi thị trường đã dự đoán rằng sản lượng công nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng nhờ tăng trưởng trong xuất khẩu và buôn bán nhộn nhịp trong kỳ nghỉ lễ Năm mới.
Kim ngạch xuất khẩu - chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của Hàn Quốc - trong tháng 1/2013 đã tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), thương mại của Hàn Quốc trong năm 2012 đã sụt giảm so với năm 2011, do giá hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh hơn so với giá hàng nhập khẩu và nhu cầu trên toàn cầu còn yếu.
BOK dự báo tăng trưởng GDP thực của Hàn Quốc trong năm 2013 vào khoảng 2,8% và lạm phát giá tiêu dùng ở mức 2,5%. Tài chính hỗ trợ cho thương mại trong năm nay dự kiến sẽ tăng 9,3%, mức tăng cao nhất trong số các dự báo, cho thấy các ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Thu Trang