Quyết định của EU được xem như tín hiệu cảnh báo không mấy khả quan cho Google đối với hai cuộc điều tra mà EU đang tiến hành nhằm vào hệ điều hành Android và hệ thống quảng cáo AdSense.
Ủy ban Châu Âu (EC) bắt đầu tiến hành điều tra Google cách đây 7 năm, sau khi_nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại từ các đối thủ của Google ở Mỹ và châu Âu. Hầu hết nguyên đơn đều tố cáo Google lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường dịch vụ tìm kiếm Internet để ưu ái cho dịch vụ Google Shopping, vừa hất cẳng đối thủ cạnh tranh vừa chiếm thế “cửa trên” với ngay cả khách hàng.
Phá sâu kỷ lục phạt tiền
Con số 2,4 tỷ euro cũng là án phạt chống độc quyền lớn nhất từ trước tới nay mà EC từng ban hành, vượt xa mức 1 tỷ euro dành cho Intel năm 2009.
Sau khi mở lời khen Google vì có nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ tiên tiến làm thay đổi cuộc sống, bà Margrethe Vestager, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh châu Âu, khẳng định “công ty này không được phép lợi dụng vị thế thống trị thị trường bằng cách bóp nghẹt đối thủ cạnh tranh.”
“Những gì Google đã làm là bất hợp pháp theo các quy tắc chống độc quyền của EU… Google đã phủ nhận cơ hội cạnh tranh của các công ty khác, không cho họ cơ hội để phát triển và đổi mới. Quan trọng hơn cả, Google đã phủ nhận quyền được lựa chọn dịch vụ chính hãng và những lợi ích của sự đổi mới mà người tiêu dùng châu Âu xứng đáng được đón nhận”, bà Vestager cho biết.
Quyết định này chắc chắn chưa phải điểm kết thúc, mà thậm chí còn mở đường cho cơ quan chức năng EU tiếp tục tấn công các mảng kinh doanh quan trọng khác của Google như điện thoại di động, quảng cáo trực tuyến trên công cụ tìm kiếm.
Điều này cũng tạo điều kiện cho các đối thủ của Google củng cố chứng cứ và luận điểm chiến đấu với Google trước tòa trong các vụ kiện đòi bồi thường.
Ngay lập tức, cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 1,8% giá trị; cổ phiếu ngành công nghệ tiếp tục xu hướng bán nhiều hơn mua.
![]() |
Con số 2,4 tỷ euro cũng là án phạt chống độc quyền lớn nhất từ trước tới nay mà EC từng ban hành, vượt xa mức 1 tỷ euro dành cho Intel năm 2009.
Rắc rối phủ đầu
Tuy nhiên, vấn đề thực sự khiến Google đau đầu không phải là mức án phạt “đứt ruột”, mà đến từ cách EU đẩy vấn đề cho công ty tự giải quyết và không đơn giản chỉ khắc phục về mặt kỹ thuật là xong.
Bà Vestager cam kết Google sẽ được giám sát trong những năm tới để tránh tái diễn tình trạng lạm dụng thế độc quyền. Giới chuyên gia nhận định việc bị “quản thúc” sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược phát triển của Google trong tương lai.
Trước đó, án phạt của EU vào năm 2004 về hành vi thao túng thị trường hệ điều hành Windows của tập đoàn Microsoft đã tước đi rất nhiều cơ hội phát triển của ông lớn này trong cả một thập kỷ sau đó, góp phần tạo điều kiện cho chính Google vươn lên trong mảng quảng cáo trực tuyến.
Quyết định của EU được xem như tín hiệu cảnh báo không mấy khả quan cho Google đối với hai cuộc điều tra mà EU đang tiến hành nhằm vào hệ điều hành Android và hệ thống quảng cáo AdSense.
Nếu như EU yêu cầu Google dừng việc cài đặt mặc định kho ứng dụng Google Play trên các thiết bị chạy nền tảng Android thì thị trường sẽ mở toang cơ hội cho những nhà sản xuất khác được đưa phần mềm và dịch vụ tự phát triển vào chính sản phẩm điện thoại của mình. Điều này sẽ là một nhân tố làm thay đổi cục diện trên thị trường ứng dụng di động.
Không phức tạp như trường hợp của Android, Google có thể dễ dàng đáp ứng đòi hỏi của EU liên quan tới AdSense. Google chỉ cần sửa đổi một chút trong hệ thống để cho phép các website chạy quảng cáo của các công ty đối thủ của Google.
Một trong những cơn đau đầu khác đang tìm đến Google là hàng chục vụ kiện trong tương lai, mà đâm đơn không ai khác là những đối thủ đã và đang bị Google chèn ép trên thị trường.
Với quan điểm cứng rắn của Ủy ban Cạnh tranh châu Âu, đã được kiểm nghiệm trên thực tế thông qua vụ truy thu bằng được 13 tỷ euro trốn thuế của Apple và khống chế vị thế độc quyền của Google, các công ty khác trong làng công nghệ hẳn phải biết lấy đó làm gương để dè chừng nếu có những ý định tương tự trong tương lai.
Hải Châu