Hưởng ứng lời kêu gọi của IMF và OECD về việc chi tiêu mạnh tay hơn, Canada dự kiến sẽ xuất quỹ 120 tỷ CAD để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn hơn 10 năm sắp tới, mặc dù một nửa trong số đó đã từng nằm trong cam kết của chính phủ tiền nhiệm. Theo đánh giá của chuyên gia, đây là một gói kích thích kinh tế “vừa phải” và là một gợi ý cho cả châu Âu, nếu nhìn vào tốc độ phục hồi chậm chạp như hiện nay của lục địa già.
Nhu cầu trở nên bức thiết
Hôm 22/3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Canada - ông Bill Morneau, là người thay mặt chính phủ công bố nội dung các biện pháp tài khóa và tài chính mới, với mục tiêu khôi phục nền kinh tế, giảm bất bình đẳng và lấy lại niềm tin cho tầng lớp trung lưu. Trợ cấp hưu trí sẽ được nâng lên, trong khi cắt giảm thuế và tăng trợ cấp cho những hộ gia đình có thu nhập trung bình.
Thừa nhận xã hội đang mất dần sự lạc quan chung, nhưng người đứng đầu ngành tài chính Canada tin tưởng chính sách mới, cùng với việc người dân Canada lao động chăm chỉ và duy trì niềm tin vào nền kinh tế, sẽ là chìa khóa mở ra những giai đoạn phát triển mới.
Vị Bộ trưởng Tài chính dự báo gói kích thích sẽ giúp GDP tăng 0,5% trong năm tới và 1% trong giai đoạn 2017 - 2018 với khoảng 100.000 việc làm mới được tạo ra. Trước đó, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) từng dự đoán tăng trưởng đạt 1,4% trong 2016 - 2017, chưa kể các khoản chi tiêu mới.
So với các thành viên còn lại trong nhóm những nước công nghiệp lớn nhất thế giới (G7), Canada có tỷ lệ nợ công trên GDP là thấp nhất, song quốc gia Bắc Mỹ giàu tài nguyên lại tăng trưởng khá chậm chạp.
Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế thế giới”, công bố trung tuần tháng 1/2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Canada cùng với xu hướng giảm chung của kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, một cú hích trị giá hàng tỷ CAD trở thành một nhu cầu hết sức bức thiết.
Việc giá dầu sụt giảm “không hẹn ngày trở lại” đã tác động nghiêm trọng tới những khu vực giàu loại tài nguyên này trên lãnh thổ Canada, khiến tỷ lệ thất nghiệp cả nước bị đẩy lên tới 7,3%. Để trấn an người dân, chính phủ Canada dự kiến sẽ tăng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp cho các địa bàn bị ảnh hưởng.
![]() |
Một cú hích trị giá hàng tỷ CAD trở thành một nhu cầu hết sức bức thiết
Thời cơ chuyển dịch cơ cấu
Chính quyền của Thủ tướng Trudeau cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng vay tiêu dùng và sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp khác nếu thấy cần thiết, trong bối cảnh lãi suất thấp đã góp phần đưa tỷ lệ nợ trên thu nhập của các hộ gia đình Canada lên mức kỷ lục 165,4% trong quý IV/2015
Kế hoạch ngân sách mới của Canada cũng không quên dành một phần cho các gia đình có trẻ nhỏ. Theo đó, một người mẹ đơn thân có thu nhập 30.000 CAD/năm và con dưới 6 tuổi sẽ nhận được trợ cấp hàng năm là 6.400 CAD. Gia đình nào có hai con nhỏ với thu nhập 90.000 CAD thì nhận được 5.650 CAD. Bộ trưởng Tài chính Morneau hy vọng nhờ chính sách này mà “hàng trăm ngàn trẻ em có thể thoát nghèo”.
Ước tính thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 29,4 tỷ CAD trong giai đoạn 2016 - 2017, tương đương 1,5% GDP, nhưng chính phủ Canada quyết tâm đến năm 2020 hoặc 2021 sẽ “bịt được nửa lỗ thủng”. Trước đó, BoC từng phải hai lần hạ lãi suất cơ bản trong năm 2015, xuống mức 0,5%, sau khi quốc gia có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới này trải qua một cuộc suy thoái nhẹ.
BoC dự báo đồng CAD mất giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế chuyển đổi hướng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng phi năng lượng, nhất là trong bối cảnh không thể trông mong giá dầu hồi phục như hiện nay hay cả tương lai gần trước mắt.
Hùng Anh