Lý do khiến Bundesbank lo lắng là việc lệ thuộc quá nhiều vào các gói kích thích có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn “cứ hy vọng lắm rồi lại thất vọng nhiều”.
Mâu thuẫn nối dài
Với mục tiêu thúc đẩy lạm phát đang ở mức cực thấp, ECB quyết định vừa hạ lãi suất, tăng mua trái phiếu, vừa cho vay siêu ưu đãi - gói kích thích kinh tế thứ hai của tổ chức này chỉ trong vòng ba tháng. Nhưng dường như nhà đầu tư không mấy mặn mà, giống như phản ứng trước đó, hồi tháng 12/2015.
Bundesbank từng công khai phản đối nhiều chính sách của ECB trong thời gian qua, bao gồm cả chương trình nới lỏng định lượng cách đây một năm và phần mở rộng sau đó. Đối với Bundesbank, việc mua trái phiếu chính phủ là một công cụ ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể thổi phồng bong bóng tài sản và khiến chính phủ các nước đang mắc nợ thiếu quyết tâm cải cách. Năm 2011, hai thành viên Đức từng rút khỏi hội đồng quản trị của ECB chỉ vì những bất đồng xung quanh chuyện mua trái phiếu, trong đó có cựu Chủ tịch Bundesbank - Axel Weber.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại một buổi họp báo, Chủ tịch ECB - ông Mario Draghi, khẳng định đại đa số các thành viên Hội đồng điều hành của ngân hàng đều ủng hộ biện pháp kích thích kinh tế mới. Và như để “đá xoáy” Bundesbank, ông Draghi cảnh báo châu Âu sẽ rơi vào thảm họa giảm phát, nếu đi theo chiến lược chính sách “nein zu Allem”, tiếng Đức có nghĩa là “nói không với tất cả mọi thứ”.
Tác giả của cụm từ này không ai khác cũng chính là Chủ tịch ECB. Ông dùng nó lần đầu tiên vào cuối năm 2012, khi vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Đức xung quanh chương trình mua trái phiếu, mà sau đó đã giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ của khối EU.
Bundesbank và ECB còn không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác. Tháng Hai vừa qua, Chủ tịch Bundesbank - ông Jens Weidmann, từng phản đối ý tưởng “khai tử” tờ tiền mệnh giá 500 EUR của ECB, vì quan ngại động thái này là bước đệm để châu Âu xóa bỏ tiền mặt, tạo đà tiến tới cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa dưới 0%.
Nhưng ngay cả khi nhiều lần bị “át tiếng” trong ECB, quan điểm của Bundesbank thực sự vẫn là tiếng nói rất có trọng lượng. ECB có trụ sở tại Frankfurt giống như Bundesbank, đã học hỏi mô hình của chính ngân hàng Trung ương Đức, nhưng số lượng nhân viên chỉ bằng 1/3.
![]() |
Việc tăng lượng tiền trong lưu thông chưa đủ để kéo châu Âu ra khỏi tình trạng khủng hoảng và trì trệ
Sức mạnh thiểu số
Bundesbank là một trong những ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cho đến khi ECB được thành lập vào năm 1998, để quản lý chính sách tiền tệ cho khu vực đồng Euro. Thời điểm đó, các quan chức ngân hàng trung ương Đức đã có những lo lắng về việc kỷ luật tài chính trong “kỷ nguyên mới” sẽ bị buông lỏng.
Hiện nay, Bundesbank chỉ có duy nhất một phiếu trong Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB, mặc dù Đức chiếm hơn 1/4 nền kinh tế của toàn bộ khu vực đồng tiền chung Euro và đang ở vào một vị thế kinh tế rất khác so với nhiều thành viên còn lại. Trong số 19 quốc gia mà ECB điều hành chính sách tiền tệ, tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 4,3% ở Đức cho tới 24,6% ở Hy Lạp.
Ông Weidmann không phải là thành viên duy nhất của ECB có thái độ hoài nghi về chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng này. Một số thành viên Hội đồng điều hành cũng lo ngại gói kích thích mới sẽ mất dần hiệu quả sau nhiều năm đã quá quen với chính sách “dễ dãi”. Điển hình như hai người bỏ phiếu chống là Thống đốc ngân hàng Trung ương Hà Lan - Klaas Knot và thành viên người Đức Sabine Lautenschlaeger.
Thống đốc ngân hàng Trung ương Latvia - Ilmars Rimsevics, là một trong 19 người bỏ phiếu ủng hộ gói kích thích lần này, nhưng vẫn “lăn tăn” về khả năng tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế trên toàn khối của nó. Ông Rimsevics cho rằng hành động in tiền nhằm tăng lượng tiền trong lưu thông chưa đủ để kéo châu Âu ra khỏi tình trạng khủng hoảng và trì trệ hiện nay.
Hùng Anh