Một số nhà kinh tế Mỹ tỏ ý lạc quan trước sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc khi những số liệu mới đây cho thấy Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Giáo sư Kinh tế Jeffrey Sachs của Đại học Columbia, đây là những thông tin rất tích cực khi sự kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã góp phần mang lại sự phục hồi kinh tế trong quý II/2020.
Ông Sachs cho rằng trong thế giới hiện đại ngày nay, sức khỏe cộng đồng là yếu tố chủ chốt góp phần mang lại những kết quả kinh tế tốt.
Theo số liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,2% trong quý II/2020, sau khi giảm 6,8% trong quý I/2020.
Ông Nicholas Lardy, một chuyên gia kỳ cựu tại tổ chức nghiên cứu Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, có trụ sở tại Washington D.C. (Mỹ) mới đây cho hay ngành công nghiệp Trung Quốc đang phục hồi “hầu như rất nhanh” trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng trưởng với việc nước này thu được kết quả tích cực trong hoạt động thương mại.
Cũng theo ông Lardy, doanh số bán lẻ, chỉ giảm nhẹ trong tháng 6/2020, đã ghi nhận số liệu rất tốt so với các nền kinh tế khác và có sự cải thiện đáng kể.
Giới chuyên gia Mỹ lạc quan trước sự phục hồi kinh tế Trung Quốc (Ảnh minh họa/Internet) |
Với dự báo doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và góp phần vào sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ, ông Lardy cho rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong nửa cuối năm 2020 sau khi nước này đã ứng phó và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Về phần mình, chuyên gia đầu tư Andy Rothman của công ty đầu tư Matthews Asia, có trụ sở tại San Francicco (Mỹ), cho rằng sự phục hồi kinh tế nhanh sau giai đoạn sụt giảm mạnh (theo hình chữ V) của Trung Quốc tiếp tục diễn ra trong tháng 6/2020, tháng phục hồi thứ tư liên tiếp nhờ sự dẫn dắt của nhu cầu trong nước mạnh.
Theo ông Rothman, sự phục hồi của doanh số bán nhà đất và ô tô của Trung Quốc trong tháng 6/2020 cho thấy tầng lớp người tiêu dùng trung lưu và giàu có của Trung Quốc đều có niềm tin vào triển vọng kinh tế trong tương lai và nguồn tài chính đầy đủ để có thể mạnh dạn chi tiêu và mua sắm.
VT