Ba ngày đàm phán thượng đỉnh đã có lúc tưởng như bế tắc, cuối cùng cũng kết thúc suôn sẻ. Kết quả “quy hoạch lãnh đạo” Liên minh châu Âu (EU) còn chờ Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
“Đã xong!” - đó là dòng thông báo rất súc tích của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, người đầu tiên loan tin nóng hổi trên Twitter về việc các nhà lãnh đạo EU đã tìm được tiếng nói chung.
Sự khẳng định nữ quyền
Quyết định đề cử hai người phụ nữ, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen, lần đầu tiên nắm giữ hai vị trí then chốt của EU được kỳ vọng sẽ phát đi một thông điệp tích cực - một số nhà ngoại giao nhận định.
Cụ thể, bà Von Der Leyen, có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ thay thế ông Jean - Claude Juncker giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU.
“Xét cho cùng thì châu Âu cũng là phụ nữ mà”, ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh EU đã nói vui với phóng viên như vậy, với ý nhắc nhở rằng lục địa già được đặt theo tên của nữ thần Hy Lạp cổ đại Europa.
Bà Lagarde - từng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính Pháp, đã ngồi ghế Giám đốc điều hành IMF từ năm 2011. Bà luôn ủng hộ mạnh mẽ việc trao quyền cho nữ giới, mặc dù không có nhiều kinh nghiệm trực tiếp liên quan đến chính sách tiền tệ.
Từng thờ ơ với công tác lãnh đạo của EU, song khi nhận nhiệm vụ mới, một trong những thách thức lớn nhất đối với bà Lagarde là làm sao khôi phục được nền kinh tế khu vực eurozone.
“Bà Christine Lagarde sẽ... trở thành một chủ tịch hoàn hảo của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tôi chắc chắn rằng bà ấy sẽ là một chủ tịch rất độc lập…”, ông Tusk nhận định.
Trong khi đó, bà Von Der Leyen sẽ điều hành Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề ngân sách của các quốc gia thành viên EU, giám sát chống độc quyền và chủ trì đàm phán thương mại với các đối tác.
Việc lựa chọn nhân sự vào các vị trí lãnh đạo EU đã trải qua những giờ phút căng thẳng và mệt mỏi vì tranh luận. Sự bất đồng trong nội bộ EU cũng qua đây mà bộc lộ rõ hơn, kể từ khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong tháng 5 vừa qua kết thúc mà không có phe nào giành được đa số, trong khi các nhóm cực hữu và cực tả nổi lên mạnh mẽ.
Bà Ursula Von Der Leyen (trái) và bà Christine Lagarde nắm giữ hai vị trí then chốt của EU |
Chia rẽ sâu sắc
Với việc quan điểm của Thủ tướng Đức Merkel vấp phải sự phản kháng của đảng trung tả Nhân dân châu Âu (EPP) ngay từ đầu hội nghị, nội dung “quy hoạch cán bộ” rơi vào bế tắc bởi ý kiến trái chiều từ Italia, Ba Lan và một số quốc gia khác. Những nước này muốn đề cử cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Frans Timmermans làm chủ tịch EC.
Đối với các chức danh lãnh đạo khác, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borrell được đề cử làm Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel, với sự ủng hộ tích cực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Trong vai trò mới, ông Michel có nhiệm vụ củng cố mối quan hệ đoàn kết của 28 quốc gia thành viên.
Ông Timmermans và bà Margrethe Vestager được bầu làm Phó Chủ tịch EC. Bà Von der Leyen, ông Timmermans và bà Vestager, dự kiến bắt đầu công tác mới từ ngày 1/11/2019, sẽ định hình chính sách của EU trong vòng 5 năm tới trên mọi lĩnh vực, từ khí hậu, nhập cư cho đến thương mại.
Chức danh chủ chốt thứ năm vẫn còn bỏ trống là Chủ tịch Nghị viện châu Âu, dự kiến ngày 4/7 mới lựa chọn xong. Ông David Sassoli (người Italia) đang là ứng cử viên nhiều tiềm năng nhất. Ứng cử viên Sergei Stanishev (Bungari) được các lãnh đạo EU ủng hộ nhưng cuối cùng lại bị hầu hết các nhà lập pháp phái bảo thủ và chủ nghĩa xã hội phản đối.
Hải Châu