Sáng 21/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao ngay giảm 0,27%, neo ở mức giá 41,09 USD/thùng; dầu thô Brent sáng nay vẫn giảm 0,49% so với hôm qua, hiện ở mức 42,89 USD/thùng.
Giá dầu thô lao dốc do nguồn cung được nới lỏng (Ảnh: Int) |
Đóng cửa phiên giao dịch trước đó, giá dầu WTI dừng lại với mức bán 41,19 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent kết thúc tại 43,09 USD/thùng.
Giá xăng trong nước sáng 21/9 được Petrolimex niêm yết dao động ở mức từ 14.260 - 15.080 đồng/lít ở vùng 1, từ 14.540 - 15.380 đồng/lít ở vùng 2. Giá dầu hỏa vùng 1 là 9.590 đồng/lít và vùng 2 là 9.780 đồng/lít.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số đồng minh (OPEC+) đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC) vào ngày 17/9, kéo dài thời gian mà các quốc gia đã không hạn chế sản lượng đầy đủ trong những tháng trước có thể thực hiện cắt giảm bù đắp.
Trước đó, tổ chức này đã nới lỏng mức cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày xuống còn 7.,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8/2020.
OPEC hôm 14/9 cảnh báo rủi ro “vẫn có xu hướng gia tăng và nghiêng về tiêu cực”. Một ngày sau, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mô tả lộ trình sắp tới của thị trường là “gian nan” giữa lúc tâm lý chung đi xuống và số ca nhiễm COVID-19 tăng trên thế giới.
Về dài hạn, Công ty năng lượng BP của Anh ngày 14/9 cho biết lực cầu dầu có thể đã đạt đỉnh năm 2019. Công ty đặt ra 3 kịch bản lực cầu năng lượng trong 30 năm tới, đều dự báo lực cầu giảm cho tới năm 2050. Hai kịch bản là giới lập chính sách sẽ mạnh tay hơn để giảm ô nhiễm carbon, khiến lực cầu khó phục hồi hoàn toàn từ khủng hoảng COVID-19.
P.L