Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex lùi 1,62 USD (tương đương 2,5%) xuống 63,69 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/4/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1/2019 trên sàn Lodon mất 2,15 USD (tương đương 2,9%) còn 72,89 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 21/8/2018. Hợp đồng này đã rớt mốc bình quân 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9/2017, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Ảnh Internet |
Các cuộc thăm dò riêng từ Bloomberg và Reuters cho thấy các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng sản lượng trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Cụ thể, OPEC đã nâng sản lượng thêm 390.000 thùng/ngày lên 33,31 triệu thùng/ngày trong tháng 10, dựa theo kết quả từ cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi cuộc thăm dò của Bloomberg cho biết sản lượng của OPEC vọt 430.000 thùng/ngày lên 33,33 triệu thùng/ngày trong tháng trước.
Và một báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng từ 10,9 triệu thùng/ngày (trong tháng 7) lên 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Mức sản lượng tháng 8 đánh dấu lần đầu tiên sản lượng tại Mỹ vượt mốc 11 triệu thùng/ngày, qua đó đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.
Sự gia tăng sản lượng đã xoa dịu những lo ngại về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn sẽ có hiệu lực vào tuần tới.
Norbert Ruecker, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa và vĩ mô tại Julius Baer, nhận định: “Sự gia tăng sản lượng từ các quốc gia sản xuất xăng dầu, sự bùng nổ dầu từ đá phiến tại Mỹ, đà leo dốc của dự trữ dầu tại Bắc Mỹ cùng với khả năng giá dầu quá cao đã kìm hãm tăng trưởng nhu cầu dầu ở các thị trường mới nổi là những yếu tố làm dịu tâm lý tăng giá trên thị trường trong tháng 10, qua đó đẩy giá dầu Brent từ mức trên 85 USD/thùng xuống dưới 75 USD/thùng”.
VT