Giá dầu Brent đã tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất 4 năm, trên 80 USD/thùng sau khi Saudi Arabia và Nga kết thúc cuộc họp mà chưa có bất kỳ kế hoạch nào về việc tăng sản lượng ngay lập tức mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi hãy hành động để nâng nguồn cung dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch 24/9, dầu Brent Biển Bắc tăng 2,4 USD (3,1%) lên 81,20 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 81,39 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2014; dầu ngọt nhẹ Tây Texas - Mỹ (WTI) tăng 1,3 USD (1,8%) lên 72,08 USD/thùng.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhóm họp tại Algiers vào ngày 24/9/2018. Cuộc họp đã kết thúc nhưng không có tín hiệu tăng sản lượng, đồng nghĩa với việc OPEC và Nga bác yêu cầu của ông Trump.
Mỹ sẽ không có tác động nhiều tới việc thay đổi cục diện nguồn cung dầu trong thời gian tới. |
Thị trường dầu vốn đang bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về nguồn cung từ Iran và Venezuela. Việc các nhà sản xuất lớn không muốn nâng sản lượng có nghĩa là thị trường sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khoảng 3-6 tháng tới. Một số người dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên 90 USD/thùng vào tháng 12 và vượt 100 USD/thùng vào năm 2019, khi nguồn cung càng thêm thắt chặt vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ có hiệu lực đầy đủ từ tháng 11 tới. JPMorgan tính toán rằng lệnh cấm vận Iran của Mỹ có thể làm cho 1,5 triệu thùng dầu/ngày biến mất khỏi thị trường, trong khi con số mà Mercuria cảnh báo lên tới 2 triệu thùng/ngày.
Mặc dù có ý kiến cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giảm nhu cầu, khiến khoảng trống cung – cầu thu hẹp lại, nhưng mức sụt giảm nếu có cũng không nhiều, trong khi các kho dự trữ dầu thương phẩm của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015, còn sản lượng gần mức cao kỷ lục 11 triệu thùng/ngày, có nghĩa Mỹ sẽ không thể có tác động nhiều tới việc thay đổi cục diện nguồn cung trong thời gian tới.
VT