Dư chấn của Brexit vẫn đang rình rập, nhưng hội nghị nhận được sự đồng thuận lớn về việc thế giới cần tiến nhanh về phía trước, thay vì cứ hò nhau “thắt lưng buộc bụng” mãi. Ngay cả Đức, nước đi đầu trong phong trào “ăn uống khắc khổ”, cũng phải suy nghĩ lại.
Những tín hiệu chung
G20 nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng không khả quan như mong đợi; môi trường kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro rình rập bởi các cuộc xung đột địa chính trị, khủng bố và tị nạn, kết hợp với biến động giá cả hàng hóa và lạm phát thấp.
Bên cạnh việc nói “không” với mọi chính sách bảo hộ, G20 tái khẳng định cam kết loại bỏ hành vi “ganh đua” phá giá tiền tệ giữa các nước. Không giống như lần gặp trước ở Thượng Hải, hồi tháng 2, các đại biểu G20 không nhắc nhiều đến Nhân dân tệ, sau khi đồng tiền này bớt “nhảy nhót” hơn trong thời gian qua.
G20 cũng thêm một lần nữa nhấn mạnh vai trò của chính sách tiền tệ, bởi việc dựa dẫm quá nhiều vào các gói kích thích sẽ không thể mang lại kết quả tăng trưởng cân bằng. Cách đây 5 tháng, G20 từng nhắc nhở các nước về lưu ý này, nhưng một số quốc gia như Ấn Độ, Australia hay Hàn Quốc vẫn “bỏ ngoài tai” và tự quyết định hạ lãi suất.
![]() |
Hội nghị G20 Thành Đô dành rất nhiều sự quan tâm tới vấn đề tăng trưởng kinh tế
Thông báo của G20 không quên đề cập tình trạng sản xuất dư thừa trong nhiều ngành công nghiệp, như sản xuất thép, đã tạo ra thách thức không chỉ đối với thương mại mà còn cho người lao động, đòi hỏi cả thế giới phải đồng lòng và giải quyết đồng bộ.
Dù cùng lúc phải đối mặt nhiều thách thức, G20 vẫn lạc quan sẽ xử lý tốt các rủi ro thời hậu Brexit. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Đức - ông Wolfgang Schaeuble, thị trường đã biến động mạnh nhưng đang dần ổn định trở lại.
Phát biểu sau cuộc họp, bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức đóng vai trò cố vấn kinh tế của G20, cho biết các bên đều đồng thuận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để san sẻ lợi ích của tăng trưởng và mở cửa kinh tế giữa các quốc gia cũng như trong nội bộ từng nước.
Tăng trưởng sao cho toàn diện
Dù không có thành viên G20 nào hứa hẹn hành động mới cụ thể, song trước khi diễn ra hội nghị Thành Đô, thực tiễn đã ghi nhận nhiều nước có những bước tiến “âm thầm”. Ví dụ như Nhật Bản đang trong giai đoạn xây dựng ngân sách bổ sung để hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp; Thủ tướng Shinzo Abe cũng kêu gọi giới chủ tăng lương cho lao động thời vụ.
Trong khi đó, giữa tâm chấn của Brexit, Bộ trưởng Tài chính Anh - ông Philip Hammond, cho biết sẵn sàng điều chỉnh ngân sách chi tiêu bằng cách xây dựng lại kế hoạch tài khóa nếu cần thiết. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Jacob Lew, tự tin nền kinh tế Mỹ vẫn đang “vào phom” nên không cần thay đổi gì nhiều.
Một nội dung khác trở thành tâm điểm trong thông cáo hội nghị của G20 là lựa chọn giữa chính sách khuyến khích tăng trưởng hay kiềm chế nợ công. Dường như tới thời điểm này, hầu hết đã nhất trí rằng thế giới cần tăng trưởng thay vì cứ hò nhau “thắt lưng buộc bụng” mãi. Ngay cả Đức, nước đi đầu trong phong trào “ăn uống khắc khổ” cũng phải suy nghĩ lại. Và bài toán đặt ra lúc này là tăng trưởng sao cho toàn diện.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại càng có lý do để thèm muốn tăng trưởng toàn diện. Nước này đã bước sang bên kia sườn dốc của tăng trưởng và sắp tới có nguy cơ tiêu pha hết những gì tích lũy được trước đó nhằm thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ. Chính phủ Trung Quốc đã phải bơm một lượt vốn tín dụng giá rẻ cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, chỉ tính riêng trong tháng 6 đã lên tới 244 tỷ USD.
Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, cũng mới công bố kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 9,7 tỷ USD để hỗ trợ thị trường việc làm. Canada bạo chi thêm 8,38 tỷ USD cho năm tài chính này, chấp nhận sẽ thâm hụt gần 91 tỷ USD trong 6 năm tiếp theo.
Hải Châu