Tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Hạ viện, Chủ tịch FED thừa nhận nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ sự sa sút trong lĩnh vực sản xuất, lạm phát thấp và chiến tranh thương mại ngày một sôi sục.
Trăn trở thực sự của FED
“Trên cơ sở dữ liệu đầu vào và các diễn biến khác, có vẻ như những bấp bênh xung quanh căng thẳng thương mại và mối lo về sức khỏe của kinh tế thế giới tiếp tục gây áp lực lên triển vọng của nước Mỹ”, ông Powell nói. Ông còn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng ngân hàng trung ương sẽ “có hành động phù hợp” để duy trì đà tăng trưởng kinh tế hiện tại.
Ngay sau đó, trong cuộc họp nội bộ FED về vấn đề điều chỉnh lãi suất, một số thành viên cũng viện dẫn những yếu tố trên để đề xuất hạ lãi suất “trong thời gian tới”.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 18 – 19/6, một số nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng họ có thể phải làm gì đó để kích lạm phát lên cho phù hợp với mục tiêu 2% hàng năm đã đề ra và trấn an cộng đồng doanh nghiệp đang có biểu hiện ngập ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Cuộc họp kết luận rằng việc hạ lãi suất có thể giúp tăng khả năng đối phó với những cú sốc từ cuộc chiến thương mại.
Chứng khoán Mỹ ngay lập tức tăng điểm, trong đó với S&P 500 lần đầu tiên vượt qua mốc 3.000 điểm. Lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm và đồng USD giảm giá so với rổ các loại tiền tệ khác.
Phát biểu của ông Powell và biên bản họp FED đã cho thấy rõ những trăn trở thực sự của FED về một nền kinh tế mà họ nhận định là vẫn còn dư địa phát triển.
Ông Powell tập trung vào sự sa sút trên toàn cầu thay vì nói nhiều về những thông tin tích cực, đồng thời nhấn mạnh rằng cam kết của Washington và Bắc Kinh những tuần gần đây về việc quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết khúc mắc thương mại vẫn là chưa đủ để xóa bỏ bất an.
Trong phần trình bày của mình, ông Powell cũng cho rằng thị trường việc làm ở Mỹ không sôi động như một số thông tin đưa ra trước đó. Ngân hàng trung ương các nước thường đối phó với lạm phát bằng cách tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp không bền vững, và tỷ lệ thất nghiệp đã gần chạm mức đáy kể từ năm 1969.
![]() |
Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ |
Doanh nghiệp có nhiều tâm tư
“Chúng tôi không có bằng chứng nào để có thể gọi đây là thị trường lao động sôi động”, ông Powell nói. Chủ tịch FED còn phân tích mối liên hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương tăng và giá cả tăng đã không còn mật thiết như trước, thậm chí là khá mờ nhạt.
“Chúng tôi thực sự đã nhận ra rằng nền kinh tế có thể duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với những gì mình nghĩ mà không hề gây ra mức lạm phát đáng lo ngại”, ông Powell cho biết.
Biên bản họp của FED cũng đồng tình với quan điểm đó. Một số thành viên cho biết họ đã điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ thất nghiệp thông thường trong dài hạn và nhận thấy áp lực lạm phát tăng ít hơn và có thêm cơ sở để hạ lãi suất.
Ông Powell cũng trích dẫn dữ liệu kinh tế châu Âu và châu Á để chứng minh nhận định rằng tình hình chưa có gì sáng sủa và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ ra lo lắng về việc tình trạng thiếu lòng tin đang tác động đến cả quyết định đầu tư và giá sản phẩm trên thị trường.
Phát biểu tại cuộc họp gần đây nhất, một số thành viên của FED đã truyền đạt lại tâm tư của doanh nghiệp về việc chịu tác động của chiến tranh thương mại và một số yếu tố bấp bênh khác trong các quyết định đầu tư của mình, không phải chỉ hiện tại mà còn trong trung hạn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải tạm dừng các kế hoạch đầu tư và tuyển dụng, đồng thời đánh giá lại các phương án về địa điểm và cách thức sản xuất sao cho giảm thiểu được tác động của cuộc chiến thương mại.
Hải Châu