“Chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ đang phát huy tác dụng”, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell, cho biết trong một cuộc họp báo sau khi ngân hàng trung ương Mỹ công bố quyết định cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25%, xuống còn 1,50 - 1,75%.
Hàng loạt yếu tố thuận lợi
“Chúng tôi làm như vậy để giúp cho nền kinh tế tiếp tục mạnh mẽ trước những biến động trên toàn cầu và để có công cụ đề phòng trước các rủi ro đang diễn ra. Chúng tôi nhận thấy quan điểm hiện tại trong chính sách tiền tệ vẫn còn phù hợp, chừng nào các thông tin về tình hình kinh tế còn tương đồng với nhận định của chúng tôi” ông Powell nói.
Phát biểu của ông Powell có phần “nhẹ” hơn so với yêu cầu trước đó của Tổng thống Donald Trump về việc Fed phải hạ lãi suất sâu hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế Mỹ còn cách xa mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông Trump từng cam kết sẽ có được nhờ chính sách cắt giảm thuế và các biện pháp khác gần 2 năm trước.
Tại buổi họp báo, ông Powell đã đưa ra một loạt lý do dẫn tới nhận định nền kinh tế đang hoạt động tốt và có khả năng tiếp tục duy trì như vậy dưới chính sách tiền tệ hiện nay, từ chi tiêu tiêu dùng cho đến giao dịch bất động sản đều tăng.
Ông Powell cũng cho biết một số rủi ro từng khiến các quan chức Fed lo ngại nhất dường như đã thuyên giảm trong những tuần gần đây. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới giải pháp hòa bình cũng là một nguyên nhân, ông Powell nói thêm.
Triển vọng của nền kinh tế Mỹ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng vừa phải, thị trường lao động sôi động, trong khi lạm phát tăng trở lại mục tiêu 2%/ năm, Chủ tịch Fed cho hay. Chỉ khi nào phải đánh giá lại những dự báo này một cách đáng kể thì Fed mới tính đến chuyện hạ lãi suất lần nữa.
Trong tuyên bố đưa ra sau quyết định cắt giảm lãi suất, Fed đã bỏ đi một nội dung từng đề cập trong lần hạ lãi suất trước đây về việc cơ quan này sẽ có các “hành động phù hợp” để duy trì tăng trưởng kinh tế - hàm ý có thể phải cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Thay vào đó, Fed cho biết sẽ “theo dõi tác động của các thông tin sắp tới đối với triển vọng kinh tế” khi cơ quan này tiến hành đánh giá phương án đạt được lãi suất mục tiêu. Cách diễn đạt này được cho là mang tính “bỏ ngỏ” nhiều hơn.
![]() |
Việc Fed cắt giảm lãi suất đã nằm trong dự đoán của các thị trường tài chính |
Nội bộ Fed vẫn trái chiều
Chủ tịch Fed Kansas - ông Esther George và Chủ tịch Fed Boston - ông Eric Rosengren, không đồng ý với quyết định chung của Fed. Hai vị này phản đối cả 3 lần hạ lãi suất của Fed trong năm nay, vì cho rằng không cần thiết phải làm vậy.
Chủ tịch Fed St.Louis - ông James Bullard, người cũng phản đối lần hạ lãi suất tháng 9 vì muốn mức giảm lớn hơn, đã bỏ phiếu thuận cùng với đa số hôm 30/10.
Việc Fed cắt giảm lãi suất đã nằm trong dự đoán của các thị trường tài chính, nhưng thời gian gần đây ít người chờ đợi Fed tiếp tục hạ lãi suất sau tháng 10. Cả Fed và nền kinh tế Mỹ đang ở trong một giai đoạn tương đối nhạy cảm và có phần bất thường.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gần chạm mức thấp nhất trong 50 năm qua, lạm phát ở mức trung bình và thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý thứ ba chậm lại nhưng không mất tốc mạnh như nhiều chuyên gia dự báo hay như chính một số quan chức Fed lo ngại.
Tuy nhiên, một số bộ phận của nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất, đã đình trệ trong những tháng gần đây khi nền kinh tế toàn cầu lê những bước ì ạch. Doanh nghiệp đã giảm đầu tư để theo dõi diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một điểm nóng khiến các cam kết dài hạn trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.
Mặc dù điều đó chưa có tác động rõ ràng đến tình trạng việc làm hoặc chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, nhưng các quan chức Fed cảm thấy một đợt cắt giảm lãi suất mang tính “phòng vệ” là phù hợp để đề phòng tình hình diễn biến xấu hơn. Fed đã cắt giảm lãi suất vào tháng 7 và tháng 9, với hy vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng mạnh dạn giải ngân.
Hải Châu