Đúng như kỳ vọng trước “giờ phán quyết”, Ủy ban thị trường mở Liên bang đã giữ nguyên khung lãi suất cho vay ở mức 1,00 - 1,25%, đồng thời khẳng định vẫn đang theo lộ trình thắt lưng buộc bụng dần dần, mặc dù các chỉ số đo lường kể từ năm 2015 đến nay đã được nâng lên đáng kể.
Lạc quan về nền kinh tế
Trong thông cáo được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban thị trường mở Liên bang nhìn nhận nền kinh tế đang phát triển với tốc độ vừa phải và số lượng việc làm cũng đang tăng đều. Đây chính là cơ sở để Fed quyết định tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện tại.
Fed cũng lưu ý rằng lạm phát và các chi phí ngầm đã và đang có xu hướng giảm xuống. Đây là vấn đề mà nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại, song Fed không nghĩ như vậy, mà tự tin rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Số lượng việc làm ổn định mới được tạo ra góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,3%, gần đạt mức thấp nhất trong 16 năm qua.
Ngay sau những tuyên bố này của Fed, các cổ phiếu tại Mỹ gần như đồng loạt tăng giá, trong khi nợ công lại giảm. Tuy nhiên, giá trị đồng USD lại có diễn biến tồi hơn, khi tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ.
Ngoài ra, Fed cũng dự kiến có thể bắt đầu áp dụng chương trình “thu hẹp” bảng cân đối kế toán trong tương lai gần. Cụ thể, Fed sẽ cắt giảm dần số lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng nợ bất động sản đang nắm giữ, theo đúng kế hoạch đưa ra hồi tháng 6 năm nay.
Sau khi ép lãi suất xuống gần mức 0 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái hồi năm 2007 - 2009, Fed đã bơm hơn 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế, thông qua hình thức mua vào lượng lớn trái phiếu để có thể tiếp tục giảm lãi suất trong tương lai. Bảng cân đối kế toán của Fed vì thế đã tăng lên 4.500 tỷ USD.
Với tín hiệu phát đi từ lần thông báo ngày 26/7, nhiều khả năng Fed sẽ chính thức quyết định bắt đầu kế hoạch cắt giảm trong bảng cân đối kế toán tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9 tới.
Ông Brian Jacobsen - Chuyên gia hoạch định chiến lược đầu tư của Wells Fargo Funds Management, nhận định rằng tuyên bố này gần như đã chỉ “rõ mười mươi” kế hoạch của Fed tiếp theo đây. Quan trọng nhất, động thái sắp tới của Fed sẽ đặt dấu chấm hết cho một công cụ đã gây nhiều tranh cãi và hứng chịu nhiều chỉ trích từ những nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội.
![]() |
Giá trị đồng USD tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ
Lạm phát - Nỗi lo còn đó
Dù trước đó Fed cũng đã ra tín hiệu sẽ tiến hành cắt giảm bảng cân đối kế toán của mình trong năm nay, nhưng theo Torsten Slok - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), việc Fed quyết tâm thực hiện sớm chính sách này là do chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có đề cử Chủ tịch Fed đương nhiệm - bà Janet Yellen, tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa hay không.
Trước đó, ông Trump chỉ “lấp lửng” rằng bà Yellen (người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018) là một trong những ứng cử viên mà ông sẽ cân nhắc cho vị trí đứng đầu Fed.
Trong bối cảnh các chuyên gia nghiên cứu của Fed kết luận rằng việc mua vào trái phiếu chỉ có thể kéo nền kinh tế đi lên từ từ, thì bà Yellen nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương có thể sẽ quay lại mua các tài sản trong trường hợp nền kinh tế sa lầy hơn nữa.
Ngay cùng thời điểm này, lạm phát giảm xuống đã khiến nhiều quan chức của Fed lo ngại về việc tỷ lệ lạm phát sẽ nằm dưới mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương trong suốt 5 năm.
Fed từng tính toán rằng tỷ lệ lạm phát cơ sở sẽ giảm từ 1,8% trong tháng 2 xuống còn 1,4% vào tháng 5 và chỉ ra rằng đây là một hạng mục chưa đạt mục tiêu trong phát biểu hồi tháng 6. Đến thông báo ngày 26/7, thì mục tiêu lạm phát chỉ được nêu rất “đơn giản”, là dưới mức 2%.
Theo chuyên gia phân tích Omer Esiner của Commonwealth FX (Washington), đây là tín hiệu của một sự thận trọng hơn.
Hải Châu