Trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh của Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo và ông trùm lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi Seven & i, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức ngay cả khi vẫn duy trì được tăng trưởng. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội đã nối dài được mạch tăng 6 quý liên tiếp, song mặt bằng lương của người lao động không nhúc nhích đáng kể.
Thị trường nội địa chật hẹp
Lợi nhuận hoạt động của Fast Retailing trong năm tài chính kết thúc tháng 8/2017 dự kiến sẽ tăng khi công ty này làm ăn tốt ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc, nhờ áp dụng chiến lược tập trung vào hàng giá rẻ.
Trong khi đó, Seven & i có thể đạt lợi nhuận hoạt động kỷ lục trong quý II, sau khi thông báo kế hoạch tái cơ cấu, trong đó có chiến dịch “đánh chiếm” thị trường quốc tế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Doanh nghiệp hàng tiêu dùng của Nhật Bản, từ các nhà bán lẻ đến nhà sản xuất rượu bia và thuốc lá đang có xu hướng mở rộng địa bàn vượt ra ngoài biên giới, trong bối cảnh khách hàng nội địa ngày càng khắt khe hơn khi rút hầu bao, còn dân số thì già hóa và tăng trưởng âm.
Số lượng cửa hàng ở nước ngoài của Fast Retailing giờ đây đã vượt qua số lượng cửa hàng nội địa. Trong khi 7-Eleven của Seven & i liên tục đẩy mạnh hoạt động tại Mỹ, sau khi bỏ ra 3,3 tỷ USD mua lại hơn 1.000 trạm xăng và cửa hàng tiện ích Sunoco.
Theo nhận định của chuyên gia, nhu cầu thâm nhập thị trường quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp tiêu dùng Nhật Bản sẽ ngày một lớn, phụ thuộc nhiều hơn nữa vào kết quả bán hàng ở nước ngoài.
![]() |
Thị phần và cơ hội của Fast Retailing ở Trung Quốc còn tiếp tục rộng mở
Dự kiến doanh thu bán lẻ của Fast Retailing sẽ tăng 4% lên 1.860 tỷ Yên (tương đương 16,6 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc ngày 31/8, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 41% lên 179 tỷ Yên. Đối với năm tài chính tiếp theo, giới phân tích ước tính doanh thu của hãng này sẽ đạt 2.020 tỷ Yên.
Tại khu vực Đông Nam Á, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Fast Retailing tăng gấp đôi trong quý III (kết thúc ngày 31/3), đồng thời doanh số bán hàng ở Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng.
Chuyên gia phân tích của Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo gần đây rằng Uniqlo mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần ở Trung Quốc và cơ hội vẫn còn tiếp tục rộng mở, khi tiềm năng doanh thu từ Trung Quốc có thể sẽ bắt kịp doanh thu tại Nhật Bản trong tương lai gần.
Thị trường quốc tế rộng lớn
Uniqlo, thương hiệu chủ lực của Fast Retailing, hiện có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn cầu, so với 831 cửa hàng tại Nhật Bản. Doanh thu của Uniqlo bên ngoài Nhật Bản chiếm khoảng 37% tổng doanh thu của Fast Retailing trong năm 2016.
Đối với Seven&i Holdings, sau một năm tiến hành tái cấu trúc dưới thời Chủ tịch Ryuichi Isaka, doanh số bán hàng đến cuối tháng 8 được kỳ vọng sẽ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.520 tỷ Yên và lợi nhuận hoạt động tăng 6,1% lên 106,1 tỷ Yên, theo ước tính của Bloomberg.
Ngay cả khi đã thâu tóm Sunoco, Seven&i vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi “hái được quả ngọt” từ thị trường quốc tế. Thương vụ trên dự kiến phải đến cuối năm nay mới có thể hoàn tất. Trong quý I, doanh thu của Seven & i ở Bắc Mỹ chiếm 32% tổng doanh thu tập đoàn, nhưng lợi nhuận chỉ đóng góp được 7,6%.
Còn trên thị trường nội địa, chiến dịch tái cấu trúc của doanh nghiệp này dẫn tới việc đóng cửa một số mảng kinh doanh không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng và thử nghiệm các mô hình cửa hàng mới nhằm thu hút thêm khách hàng.
Chuyên gia phân tích của công ty tư vấn nghiên cứu đầu tư Morningstar nhận định, trong 2 năm tới Seven & i vẫn phải dựa vào thị trường trong nước là chính, nhưng về lâu về dài khu vực Bắc Mỹ mới là “mặt trận” chủ đạo, thay thế dần thị trường Nhật Bản không còn nhiều đất diễn.
Hải Châu