Vụ kiện tập thể của người dùng Facebook tại bang Illinois đã cáo buộc mạng xã hội lớn nhất thế giới - Facebook, tự ý cho phép nhận diện hình ảnh do người dùng đăng tải. Đồng thời, không đưa ra bất cứ thông báo nào tới người dùng về những dữ liệu sau khi quét sẽ được lưu trữ trong khoảng thời gian bao lâu, dù thực tế hoạt động quét hình ảnh này đã được Facebook thực hiện từ năm 2011.
Với cáo buộc trên, Facebook hiện phải đối diện với phiên xét xử cùng số tiền phạt 1.000 - 5.000 USD/người, với 7 triệu người, tổng số tiền tối đa có thể là 35 tỷ USD nếu không có sự can thiệp từ Tòa án Tối cao.
Hồi tháng 8, Facebook đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án nhằm bác bỏ cáo buộc trên và hủy vụ kiện. Tuy nhiên, một hội đồng gồm 3 thẩm phán đã phản đối yêu cầu này của hãng.
Một trong số họ cho rằng, Facebook có thể sử dụng dữ liệu nhận diện gương mặt để xác định những người trong đoạn băng giám sát hoặc mở khóa sinh trắc học trên điện thoại. Nhưng Facebook khẳng định xây dựng tính năng này nhằm mang lại khả năng tag ảnh cho người sử dụng.
“Chúng tôi luôn chia sẻ với mọi người về việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt và trao cho họ quyền kiểm soát về việc liệu nó có được sử dụng cho họ hay không. Chúng tôi đang xem xét các phương pháp để bảo vệ công ty mình”, phát ngôn viên của Facebook chia sẻ.
Được biết, từ khi đơn kiện được đệ trình năm 2015 đến nay, Facebook đã nỗ lực ngăn chặn vụ kiện bằng việc phản đối các định nghĩa trong đơn kiện cho đến vận động hành lang để chống lại Đạo luật Quyền riêng tư Thông tin Sinh trắc học. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Facebook khó có thể tránh được mức phạt 35 tỷ USD.
K.H