Qualcomm - nhà cung cấp “ruột” các vi mạch điện tử cho cả Apple lẫn các hãng sản xuất điện thoại thông minh chạy nền tảng Android, sẽ không có đối thủ xứng tầm trên thị trường, nếu hoàn tất được thương vụ trên.
Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng
Trước những lo ngại về viễn cảnh sáp nhập hai đại gia sản xuất chip sẽ làm giảm tính cạnh tranh và động lực đổi mới sáng tạo, đội giá thị trường và tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, cơ quan quản lý cạnh tranh của EU tuyên bố sẽ điều tra kỹ thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ này.
Cuộc điều tra sẽ tập trung vào mảng sản xuất chip không dây tầm ngắn, được sử dụng trong các hệ thống thanh toán di động, như Apple Pay, hay công nghệ kết nối mạng của xe hơi. Bên cạnh đó, khả năng kết hợp quyền sở hữu trí tuệ công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) của NXP với sản phẩm của Qualcomm cũng sẽ được EU tìm hiểu cặn kẽ.
Theo bà Margrethe Vestager - Ủy viên Cạnh tranh của EU, vì chất bán dẫn được sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử trong cuộc sống nên chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào chúng; thông qua cuộc điều tra này, “chúng tôi muốn bảo đảm rằng người tiêu dùng tiếp tục được hưởng lợi từ các sản phẩm an toàn và sáng tạo với mức giá phải chăng”.
Về phần mình, Qualcomm tự tin sẽ vượt qua được những nghi hoặc của EU và chờ đợi một quá trình rà soát kỹ lưỡng, để thương vụ này có thể hoàn tất ngay trong năm nay.
“Sự kết hợp này là sự bổ sung cần thiết cho cả hai bên, trên cơ sở niềm tin rằng hai công ty sẽ có những sáng tạo tuyệt vời hơn trong tương lai, khi chung sức với nhau”, đại diện Qualcomm cho biết.
Dự kiến cơ quan điều tra của EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào giữa tháng 10, hoặc có thể muộn hơn. Trước đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã “bật đèn xanh” cho Qualcomm từ hồi tháng 4.
Với nhiều bằng sáng chế về truyền thông di động, Qualcomm đang là nhà cung cấp số một trong ngành công nghiệp này. Mặc dù vậy, sức ép của cổ đông vẫn rất lớn trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh có dấu hiệu bão hòa, trong khi đây lại là nguồn thu chủ lực của Qualcomm (chiếm tới 90% tổng doanh thu).
![]() |
Qualcomm đang vướng vào một loạt vụ kiện với Apple
Gia cố vị thế thống trị
Qualcomm còn vướng vào một loạt vụ kiện, với cả Apple - khách hàng lớn nhất của họ và các cơ quan quản lý cạnh tranh của nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Qualcomm đã phải giảm 25% dự báo lợi nhuận hàng quý, sau khi Apple tuyên bố sẽ ngừng trả tiền cho các nhà thầu sản xuất như Foxconn, đồng nghĩa với việc những công ty này không có tiền trả phí bản quyền cho Qualcomm.
NXP là công ty sản xuất chip thanh toán NFC dùng trong smartphone và từng là nhà cung cấp đồng vi xử lý theo dõi chuyển động mà Apple dùng cho iPhone.
Thương hiệu này được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực ôtô, bảo mật và vạn vật kết nối (Internet of Things). Về mái nhà chung với Qualcomm, NXP tự hào rằng sản phẩm của họ có mặt trong 14/15 bảng điều khiển hệ thống giải trí trên xe hơi phổ biến nhất trên thế giới.
Qualcomm cũng có những kế hoạch sản xuất các con chip dùng trên ôtô, điển hình là việc ra mắt vi xử lý Snapdragon 820A tích hợp trí tuệ nhân tạo tại CES 2016. Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ chưa tăng trưởng như mong muốn. Việc mua lại NXP chính là nỗ lực của hãng để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, cũng như xa hơn là thống trị thị trường.
Theo kế hoạch, Qualcomm sẽ trả 110 USD cho mỗi cổ phiếu của NXP, định giá vốn cổ phần NXP là 37 tỷ USD. Cộng với số nợ hiện tại của NXP, tổng giá trị của vụ thôn tính rơi vào khoảng 47 tỷ USD. Vị thế số một của Qualcomm xem như sẽ tiếp tục được gia cố vững chắc nếu hoàn tất thương vụ trên.
Hải Châu