Nhóm E7, bao gồm những "công xưởng" lớn nhất thế giới, đã cắt giảm cường độ khí thải carbon (lượng khí thải carbon dioxide tính trên 1 USD tổng sản phẩm quốc nội) khoảng 1,7% năm 2013.
Mục tiêu xa vời
Trong khi đó, nhóm G7 với Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Italia, Pháp và Canada chỉ có thể xoay xở để tiết kiệm được 0,2%. Đó là những điểm nhấn đáng chú ý trong bảng xếp hạng thường niên mới nhất về cường độ khí carbon mà công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố.
Bắt đầu phân tích diễn biến cường độ carbon toàn cầu từ sáu năm trước, PwC nhận định nếu tiếp tục duy trì được như vậy thì đây là "một bước tiến rất quan trọng". Tuy nhiên, cộng gộp lại thì các nước vẫn làm chưa đủ mạnh để có thể hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức mà các nhà khoa học cho là an toàn.
Cường độ carbon là một thước đo dùng để đánh giá xem liệu các nước có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vừa kìm hãm được khí thải CO2 sinh ra từ hành vi đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nhiều năm qua, các nước G7 liên tục vượt trội những nền kinh tế mới nổi chủ chốt trong việc cắt giảm CO2. Tổng lượng khí CO2 mà khối E7 thải ra hiện gấp 1,5 lần so với G7. Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm gần 30% lượng khí thải carbon toàn cầu mặc dù có một ngành năng lượng tái tạo khá phát triển và đang lên kế hoạch áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn hơn đối với hoạt động sử dụng than đá.
Những nỗ lực này là rất quan trọng nếu lượng khí thải toàn cầu được cắt giảm đến mức cần thiết để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một mục tiêu mà các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí gần 5 năm trước trong những cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, lượng khí thải carbon cứ liên tục tăng và mục tiêu cao đẹp ngày càng trở nên xa vời.
![]() |
Để đạt được mục tiêu 2 độ C đó, cường độ carbon toàn cầu sẽ phải cắt giảm trung bình 6%/năm, nhưng cả năm ngoái mới chỉ được có 1,2%, nghĩa là đến cuối thế kỷ này trái đất sẽ nóng thêm khoảng 4 độ C nữa. Jonathan Grant, Giám đốc phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của PwC cho biết "6%/ năm nghe không có vẻ gì là to tát nhưng chưa bao giờ thế giới đạt được con số đó, và loài người cần phải duy trì được tỷ lệ đó trong nhiều thập kỷ."
Trông chờ năng lượng tái tạo
Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã thực hiện cắt giảm quyết liệt cường độ carbon hàng năm, trong đó có Mỹ, nhờ chuyển hướng lĩnh vực năng lượng sang khai thác khí đá phiến (shale gas), và Pháp ưu tiên điện hạt nhân.
Sự nở rộ các trang trại sử dụng năng lượng gió và mặt trời giúp nguồn năng lượng tái tạo chiếm gần 22% tổng sản lượng điện toàn cầu trong năm
2013, tuy nhiên nhiên liệu hóa thạch tiếp tục chiếm ưu thế trong ngành vận tải và công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang tiến tới ký kết một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris năm 2015 và Liên Hợp Quốc cũng sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở New York trong tháng này nhằm thúc đẩy tiến trình chung. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa rõ có bao nhiêu lãnh đạo các nước lớn sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama, và Tổng thống Pháp François Hollande.
Năm 2010, Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã đạt được thỏa thuận ngày 11/12 ở Cancun, Mexico, thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch giảm khí thải nhà kính và giúp các nước đang phát triển tự bảo vệ mình khỏi tác động tiêu cực của khí hậu và đảm bảo tương lai bền vững.
Thỏa thuận Cancun là tập hợp nhiều quyết định của cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu trong dài hạn một cách toàn diện, và những hành động cụ thể ngay lập tức để tăng tốc độ đối phó của các quốc gia trên thế giới. Một số mục tiêu chính của thỏa thuận này bao gồm minh bạch trong hành động, công nghệ, tài chính, xây dựng năng lực...
Hùng Anh