FCO không tiết lộ chi tiết mỗi công ty sẽ bị phạt bao nhiêu, mà chỉ nhấn mạnh rằng đã tính tới tình tiết giảm nhẹ cho hầu hết các doanh nghiệp có thái độ hợp tác và chấp nhận nộp phạt.
Bắt tay nhau móc túi khách hàng
Kết quả điều tra của FCO cho thấy từ năm 2006 - 2009, gần nửa tá doanh nghiệp bán lẻ của Đức đã “đi đêm” với nhau và bắt tay công ty con của Anheuser - Busch InBev ở Đức để “làm giá” một số dòng sản phẩm của hãng sản xuất bia số một thế giới, như Beck’s, Hasseroder và Franziskaner.
Người tiêu dùng Đức không khỏi ngỡ ngàng, khi những công ty mà tên tuổi rất quen thuộc như Metro, EDEKA, A. Kempf Getrankegroßhandel hay NETTO Marken - Discount đã ngầm thỏa thuận sẽ tăng giá cùng lúc với nhau, để móc túi khách hàng và cùng hưởng lợi.
Giám đốc FCO - ông Andreas Mundt, đã trả lời báo chí một cách khá chi tiết việc AB InBev đứng ra “chủ trì” ra sao, bảo đảm sự phối hợp giữa các nhà bán lẻ thế nào cho “xuôi chèo mát mái”. Tóm lại, nạn nhân của hành vi thao túng giá một cách có hệ thống như vậy không ai khác chính là người tiêu dùng cuối cùng.
Án phạt 90,5 triệu euro của FCO là kết quả từ cuộc điều tra kéo 6 năm, bắt đầu vào tháng 1/2010, khi nhà chức trách Đức bất ngờ khám xét hàng loạt chuỗi siêu thị trên toàn quốc, để thu thập thông tin về kế hoạch “đi đêm” bất hợp pháp giữa các doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất.
Tính đến nay, tổng số tiền phạt mà FCO đưa ra dành cho những đối tượng liên quan đã là 242 triệu euro. Chủng loại sản phẩm bị làm giá cũng rất đa dạng, từ thức ăn chó mèo, bánh kẹo, cà phê, bia cho đến các sản phẩm chăm sóc cơ thể.
Tin tức về kết quả phá án của FCO được đăng tải vào thời điểm khá nhạy cảm và khiến ngành công nghiệp bia của Đức không tránh khỏi cảm giác ê chề. Nước này đang kỷ niệm 500 năm ra đời Reinheitsgebot - một bộ luật về chất lượng bia mà Hiệp hội Bia Đức - DBB ca ngợi là bộ luật bảo vệ người tiêu dùng lâu đời nhất trên thế giới.
Không chỉ quy định nhà sản xuất chỉ được sử dụng nước, mạch nha, hoa bia và men để làm bia, Reinheitsgebot còn hướng đến ngăn chặn hành vi “chặt chém” khách hàng. Đến năm 1906, bộ luật này chính thức được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các nhà sản xuất bia của Đức.
Theo khảo sát của hãng sản xuất đồ uống Kirin Brewery, Đức hiện là nước tiêu thụ bia nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau Cộng hòa Séc và Áo.
![]() |
AB Inbev bị tố đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng bia Beck’s được làm ở Đức
Biết hợp tác sẽ được khoan hồng
Về phía các doanh nghiệp liên đới, khi đón nhận thông tin không vui vẻ gì của FCO, Metro chỉ nói tránh đi rằng “có gì đó bất thường” đã diễn ra tại một trong những chi nhánh của mình và chi nhánh sau đó đã bị đóng cửa.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì những chuyện không hay xảy ra trong quá khứ. Hành vi đó không phù hợp với cách thức hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, đại diện Metro cho biết, đồng thời bổ sung thêm, rằng sai sót đã được xử lý trước khi cuộc điều tra diễn ra.
Ngoài các sản phẩm bia AB Inbev, FCO còn phát hiện Lidl Stiftung cố tình nâng giá kẹo Haribo, trong khi Dirk Rossmann móc túi người tiêu dùng mua sản phẩm cà phê Melitta. Lidl chưa lên tiếng, trong khi Dirk Rossmann tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án Dusseldorf.
Trong tổng số tiền phạt 90,5 triệu EUR, FCO không tiết lộ chi tiết mỗi công ty sẽ bị phạt bao nhiêu, mà chỉ nhấn mạnh rằng đã tính tới tình tiết giảm nhẹ cho hầu hết các doanh nghiệp, vì chấp nhận nộp phạt. Đặc biệt, AB InBev và một tập đoàn siêu thị của Đức là REWE Zentral “thoát nạn” nhờ thái độ hợp tác trong quá trình điều tra.
Đây không phải là lần đầu tiên AB InBev gặp rắc rối với các sản phẩm bia có yếu tố “Đức”. Năm 2015, công ty này từng phải chi hàng triệu USD chỉ vì một vụ kiện tập thể. Trong đó, AB Inbev bị tố đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng bia Beck’s được làm ở Đức trong khi trên thực tế nó lại được sản xuất ở St. Louis (bang Missouri, Mỹ) kể từ năm 2012.
Hải Châu