Căn cứ vào lưu lượng hành khách hàng năm, ước tính phí dịch vụ mới có thể đem lại cho Dubai khoảng 2,73 tỷ dirhams (16.500 tỷ đồng) mỗi năm.
Phi trường “bận rộn”nhất thế giới
Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum - Thái tử Dubai - hôm 30/3 đã thông qua nghị quyết, yêu cầu tất cả các hãng hàng không đang hoạt động tại UAE thu lệ phí 35 dirham (tương đương 212.000 đồng) của hành khách khởi hành hoặc quá cảnh ở một trong hai sân bay thương mại chính của thành phố. Tiền phí sẽ được cộng thẳng vào giá vé, kể từ ngày 30/6.
Trẻ sơ sinh dưới hai tuổi, phi hành đoàn và hành khách quá cảnh qua Dubai nhưng không xuống máy bay là những đối tượng được miễn khoản phí nêu trên.
Ông Al Maktoum khẳng định mục tiêu của quy định này là cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay Dubai và tăng cường năng lực phục vụ, dự kiến sẽ tiếp đón 100 triệu hành khách vào năm 2023. Nếu dựa vào dữ liệu thống kê lưu lượng hành khách, ước tính phí dịch vụ mới có thể đem lại cho Dubai khoảng 2,73 tỷ dirhams mỗi năm.
Trong tháng 1/2016, có tới 7,3 triệu người đã dừng chân ở sân bay quốc tế Dubai, giúp nơi đây vượt qua London Heathrow để trở thành phi trường bận rộn nhất thế giới, với gần 80 triệu lượt hành khách. Đây cũng là nơi dừng chân chủ yếu của đội bay Emirates Airline, hãng hàng không có lượng hành khách mà không hãng nào sánh kịp.
Dubai nổi tiếng là một trung tâm tài chính và du lịch vừa ổn định vừa phát triển nhanh chóng, thu hút được nhiều công ty lớn trên thế giới đến thành lập trụ sở. Cùng với các quốc gia vùng Vịnh khác, trong những thập kỷ qua, UAE đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của có được nhờ dầu mỏ để xây dựng nền kinh tế từ chỗ chẳng có gì đặc biệt trở thành hoành tráng như ngày nay.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực, UAE áp dụng chiến thuật ưu đãi chính sách, nhằm thu hút hàng triệu lao động nước ngoài. Điển hình nhất trong số đó chính là ưu đãi thuế, mà cụ thể trường hợp của Dubai là miễn toàn bộ thuế thu nhập. Tỷ trọng thu ngân sách từ thuế trong tổng sản phẩm quốc nội UAE hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
![]() |
Dubai là phi trường bận rộn nhất thế giới
Dĩ vãng “tiêu tiền không cần nghĩ”
Việc bất đắc dĩ phải “vẽ” ra các khoản thu phần nào cho thấy sự bức bách của Dubai trong bối cảnh khủng hoảng giá dầu kéo dài, khiến ngân sách bị co kéo. Khi giá dầu bắt đầu đổ dốc, từ giữa năm 2014, UAE buộc phải cắt giảm trợ cấp cho người dân và điều chỉnh cơ chế kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Vài năm trở lại đây, Dubai đã áp dụng một số loại thuế gián thu và tăng phí dịch vụ công. Những khoản phí như gia hạn visa hay cấp giấy phép kinh doanh hiện chiếm tới gần 3/4 tổng thu của chính quyền thành phố.
Thậm chí, người dân Dubai còn phải nộp khoản “phí đổi mới”, áp dụng cho một số dịch vụ nhất định, nhằm lấy tiền tài trợ cho dự án xây dựng “Bảo tàng tương lai”, với tổng mức đầu tư 136 triệu USD. Tương tự như vậy, khách nghỉ qua đêm tại các khách sạn phải trả phí “du lịch dirham”, mà tiền thu được sẽ chảy thẳng về dự án hội chợ triển lãm thế giới năm 2020.
Nhận thức được rằng thời kỳ “tiêu tiền không cần nghĩ” đã trở thành dĩ vãng, sau một thời gian “nâng lên đặt xuống”, 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, bao gồm Ả-rập Xê-út, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman, đã nhất trí với chủ trương áp thuế giá trị gia tăng trong khu vực kể từ năm 2018, đối với một số hàng hóa và dịch vụ.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng cảnh báo, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông có nguy cơ thâm hụt ngân sách tới 1.000 tỷ USD, nếu giá dầu thô vẫn ở mức thấp mà chính phủ lại không kịp thời triển khai các giải pháp cải cách kinh tế. IMF đã kêu gọi những nước này rà soát chính sách thuế và bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch áp thuế VAT, cùng với nhiều đề xuất tăng thuế khác.
Hùng Anh