Hai năm trước, ngày đầu tiên của sự kiện đã chứng kiến Airbus và Boeing làm mưa làm gió, với 162 tỷ USD giá trị đơn đặt hàng máy bay phản lực, khi Boeing bán được một loạt 777X thân rộng tầm xa, còn Airbus gặp được “khách sộp” Emirates Airline đặt mua liền một lúc 50 chiếc Airbus A380.
![]() |
Boeing còn "nhiều việc phải làm", nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu năm 2015
Thị trường vẫn rất sôi động
Khả năng phục hồi doanh số bán máy bay của ngành hàng không liên tục bị đặt dấu hỏi thời gian qua, nhất là khi Giám đốc điều hành của Delta Air Lines, ông Richard Anderson, cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung máy bay phản lực. Giá một chiếc Boeing 777-200 “second hand” 10 năm tuổi giờ chỉ còn 10 triệu USD, trong khi tiền thuê Airbus A330 thân rộng có tuổi đời tương tự cũng chẳng khá hơn là bao.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy bay không cho rằng triển vọng lại u ám đến thế. Theo người đứng đầu đơn vị chế tạo của Airbus, ông Fabrice Brégier, tỷ lệ hủy đơn đặt hàng đang ở mức thấp và công ty vẫn ký được hợp đồng 900 máy bay mới trong năm nay, vượt xa kế hoạch đề ra.
“Không những chẳng có bong bóng nào hết mà thị trường còn đang cần nhiều máy bay hơn”, ông Brégier khẳng định. Khi được hỏi về sự ế khách tại Dubai, ông này bình thản trả lời: “Tất cả các hãng hàng không Trung Đông đã đặt mua máy bay thân rộng từ 2 năm trước rồi”.
Một đồng nghiệp của ông Bregier, Giám đốc bán hàng John Leahy, khẳng định xu hướng chung của các doanh nghiệp là theo dõi nhu cầu thực tế chứ không phải chỉ căn cứ vào diễn biến của các cuộc triển lãm. Con số vượt 635 chiếc máy bay so với kế hoạch năm 2015 là minh chứng ấn tượng và thể hiện những đánh giá này là chính xác.
Ông John Wojick - Giám đốc bán hàng Boeing Commercial Airplanes, cũng chia sẻ quan điểm: “Thị trường ngoài kia đang rất sôi động”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Boeing còn “nhiều việc phải làm”, nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu năm 2015.
Tính đến ngày 4/11, Boeing mới nhận được 498 đơn hàng so với kế hoạch 755 đơn hàng cho năm nay. Tuy nhiên, ông Wojick tin tưởng con số này sẽ tăng mạnh trong tuần tới. Sự sụt giảm đơn hàng đối với dòng 787 Dreamliner chỉ đơn giản là vì khách đã đặt trước cho đến năm 2019 chứ không phải vì nhu cầu giảm sút.
Các nhà phân tích lo ngại sự sụt giảm dài hạn của giá dầu sẽ khiến các hãng hàng không phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua thêm máy bay mới hay tiếp tục tận dụng những thế hệ máy bay cũ, tốn nhiên liệu hơn. Điển hình là International Consolidated Airlines Group, công ty mẹ của British Airways, tuần trước xác nhận sẽ tiếp tục “nuôi” vài chiếc Boeing 747 của mình thêm một thời gian nữa.
Nhà sản xuất vẫn lạc quan
Giá dầu rẻ là động lực khiến một số hãng hàng không trì hoãn mua máy bay mới, nhưng với số khác thì ngược lại, nhờ tình hình tài chính rủng rỉnh hơn và có tiền làm mới đội bay. Đó là lý do mà ông Brégier nhận định Airbus vẫn có thể xuất xưởng các máy bay đời cũ.
Xét về dài hạn, triển vọng kinh doanh của cả Airbus và Boeing là khá sáng sủa. Trong vòng 20 năm tới, Boeing ước tính nhu cầu đặt hàng máy bay thân rộng sẽ là 8.800 chiếc, trong khi Airbus lên kế hoạch sản xuất 9.700 máy bay tầm xa.
Tuy nhiên, cả hai hãng vẫn phải cắt giảm sản lượng của một số mẫu không còn được ưa chuộng. Cụ thể Airbus thu hẹp sản xuất A330, trong khi Boeing có thể rút bớt tần suất xuất xưởng của Boeing 777 từ trung bình 8,3 chiếc xuống còn 7 chiếc mỗi tháng. Việc Boeing có tìm lại được vị thế hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả giới thiệu thế hệ máy bay mới trong năm 2020.
Emirates Airline, hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo lưu lượng bay quốc tế, đang nghiên cứu mẫu mã của cả Airbus và Boeing để lên một đơn đặt hàng lớn. Trong lúc đó, đơn hàng máy bay A380 mà Emirates từng đặt với Airbus vẫn chưa thể thực hiện, vì Airbus chưa chấp nhận điều chỉnh nâng cấp như mong muốn của Emirates để tạo thành những chiếc A380neo thay vì A380 ban đầu.
Thậm chí, nếu Airbus chiều ý khách hàng, Emirates có thể đặt luôn thêm 200 chiếc A380neo nữa. Airbus cũng muốn làm hài lòng vị khách sộp nhưng lại không thể vội vã bởi dự án đó cần rót thêm vốn đầu tư, trong khi nếu cứ tiếp tục chế tạo A380 thì chi phí rẻ hơn và có cơ hội bán được nhiều hơn.
Hùng Anh