Dù Mỹ và EU đang trong thời gian áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhưng riêng Đức lại ủng hộ dự án nêu trên.
EU muốn “thoát” Nga
Cách đây hơn một năm, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga - Gazprom, chính thức bắt tay vào kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt có tên gọi Nord Stream 2, với công suất 55 tỷ m3/năm, đến khu vực phía Bắc nước Đức qua biển Baltic, giúp tăng gấp đôi năng lực cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang châu Âu trên đường ống Nord Stream sẵn có.
Mặc dù trong bối cảnh tài chính bấp bênh và phải thu hẹp quy mô sản xuất, song nhu cầu khí đốt của châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định và khu vực này cần nguồn khí đốt từ Nga để đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ của mình. Chính triển vọng này đã thu hút được một số tập đoàn năng lượng uy tín, như Shell, Wintershall, Engie, OMV và E.ON cùng tham gia với Gazprom để đầu tư dự án.
Tập thể nhà đầu tư đồng lòng, nhưng khi lập hồ sơ thành lập liên doanh gửi đến cơ quan chức năng Ba Lan, lại không nhận được sự đồng tình, với lý do: Ba Lan không muốn tạo điều kiện cho Nga thao túng nguồn cung năng lượng của nước này.
![]() |
Nord Stream 2 sẽ có công suất 55 tỷ m3/năm
Thất vọng nhưng không tuyệt vọng, trong tuyên bố chung đưa ra sau đó, cả Gazprom, Shell, Wintershall, Engie, OMV và E.ON đều khẳng định quyết tâm thực hiện dự án, nhất là khi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ trước đó.
Có Gazprom làm đầu tàu, các công ty còn lại tỏ ra rất tự tin rằng sẽ tìm ra cách khác để hợp tác. Đại diện của Shell cho biết, đây là “dự án rất quan trọng” và tập đoàn này đang nghiên cứu tham gia theo hình thức nào đó.
Dù Mỹ và EU đang trong thời gian áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhưng riêng Đức lại ủng hộ dự án nêu trên, với quan điểm: Nên hợp tác thay vì cô lập nước Nga. Ba Lan và một số quốc gia Trung và Đông Âu thì một mực phản đối, vì sợ bị lệ thuộc. Mỹ cũng không đồng tình chút nào, vì lo ngại sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình hình bất ổn tài chính và chính trị của Ukraine.
Nga muốn “thoát” Ukraine
Trong cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimier Putin và Thủ tướng Đức Merkel trước đây, ông Putin khẳng định việc xây dựng thêm đường ống dẫn khí giữa Nga và Đức không khiến Đức phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Nga, mà về lâu dài sẽ giúp Đức khắc phục được tình trạng nguồn cung dầu khí thất thường từ vùng Biển Bắc.
Tổng thống Nga cũng bày tỏ quan tâm tới rất nhiều khách hàng tiềm năng khác tại EU, khi mở rộng hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream. Ông Putin cho rằng Đức có thể coi như là cửa ngõ mới để dầu khí của Nga tiến vào, còn rất nhiều các nước Tây Âu và Bắc Âu khác là thị trường tiềm năng với Nga như Anh, Đan Mạch, Thụy Sỹ…
Còn theo bà Merkel, vấn đề kỹ thuật, vốn để xây mới thêm đường ống dẫn khí đốt tại hệ thống đường ống Nord Stream là chuyện đơn giản, quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề pháp lý và thủ tục phê duyệt dự án.
Nhiều năm nay, Nga vẫn từng bước hiện thực hóa chủ trương “đi đường vòng” qua Ukraine để chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường châu Âu, đặc biệt là sau một số vướng mắc tài chính với Kiev dẫn đến việc hai lần phải ngừng cung cấp khí đốt cho các nước EU.
Nord Stream 2 có công suất tương đương với hệ thống hiện có mà Gazprom đang sử dụng để bơm khí đốt vào EU qua “cửa” Ukraine. Điều này khiến giới quan sát nghĩ đến viễn cảnh sẽ đến một ngày Nga không còn phải “nhờ vả” Ukraine nữa, còn Ukraine thì đánh rơi quân bài kinh tế chiến lược cũng như đối diện với nguy cơ mất đi một nguồn thu quan trọng.
Cách đây vài ngày, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến rất gần tới việc triển khai dự án đường ống dẫn dưới biển Đen mà nếu hoàn thành, sẽ cung cấp đủ khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ để biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển mới cho nguồn cung năng lượng vào châu Âu.
Hải Châu