Dự án điện gió nổi này không chỉ khác biệt bởi công nghệ được sử dụng, với tấm giằng cao 78m chìm dưới nước và hệ thống neo gồm 3 điểm chốt giúp giữ các tuabin nổi được, mà còn bởi đơn vị phát triển không phải là một doanh nghiệp chuyên về năng lượng tái tạo (Statoil vốn là một công ty năng lượng hướng tới các giải pháp năng lượng giảm thải carbon).
Làm mới truyền thống
Hywind bao gồm 5 tuabin nổi “lơ lửng” cách bờ biển Peterhead, gần Aberdee khoảng 25 km, với công suất ước tính 30 megawatt và chi phí xây dựng khoảng 200 triệu Bảng.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nhận định: “Điều này đánh dấu một sự phát triển đầy hứng khởi cho ngành năng lượng tái tạo ở Scotland. Hywind có khả năng cung cấp năng lượng sạch cho hơn 20.000 hộ gia đình và sẽ giúp chúng tôi đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng của mình”.
Tuabin gió được lắp đặt dưới đáy biển từ những năm 1990, song việc đưa những tuabin này ra xa ngoài khơi giúp làm tăng thêm tốc độ gió nhận được và giảm bớt các khiếu nại từ các nước láng giềng, tuy nhiên chỉ có thể thực hiện ở những vùng biển nông.
Tuabin nổi sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp này vươn tới các thị trường mới mẻ như Nhật Bản, bờ Tây nước Mỹ và Địa Trung Hải, nơi có nhiều khu vực nước sâu.
Dự án Hywind chỉ có thể cấp năng lượng cho 20.000 hộ gia đình, so với 800.000 hộ gia đình hưởng lợi từ dự án đang được tiến hành ngoài khơi Yorkshire, các chuyên gia cho rằng trang trại điện gió nổi sẽ dần thay thế những tuabin cố định trong tương lai.
Ideol - một công ty năng lượng tại Pháp, đang lên kế hoạch xây dựng trang trại điện gió nổi tại Nhật Bản, Pháp và nhiều nơi khác, hướng tới một cuộc cách mạng năng lượng bùng nổ vào năm 2030 - 2035.
Trạm năng lượng gió nổi được Pháp coi như một cơ hội giúp Pháp vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu thị trường năng lượng tái tạo, cạnh tranh với Anh Quốc và Đức.
Bà Irene Rummelhoff - Phó Chủ tịch điều hành của Dự án Kinh doanh Giải pháp Năng lượng mới tại Statoil, cho biết: “Hywind có thể hoạt động tại độ sâu lên đến 800m, do đó có thể được sử dụng ở các khu vực mà trước giờ không thể tiếp cận được với gió ngoài khơi”.
![]() |
Hệ thống tuabin nổi “lơ lửng” Hywind
Thách thức chi phí
Trước đây, năng lượng gió không thể dự trữ được, tuy nhiên, từ nay, năng lượng được tạo ra bởi các tuabin trên biển này có thể được lưu trữ dưới dạng các pin năng lượng. Statoil đã lắp đặt những thiết bị lithium Batwind lưu trữ được tới 1 megawatt giờ điện, giúp ổn định dòng điện phát ra từ trạm năng lượng gió.
Tham vọng của Statoil là sẽ giảm chi phí sản xuất năng lượng từ trang trại điện gió nổi Hywind 40 - 60 euro mỗi megawatt giờ vào năm 2030. Hiện tại, 80% tài nguyên gió ngoài khơi nằm tại những vùng nước sâu, nơi không thể lắp đặt các hệ thống cố định đáy truyền thống.
Cũng giống như nhiều công nghệ mới khác, thách thức lớn nhất của việc xây dựng các trang trại điện gió nổi chính là bài toán chi phí, khi phải sử dụng những thiết bị chuyên biệt cho ngành dầu khí với giá thành thuê cực đắt đỏ, hay đi kèm với đó là một chuỗi cung ứng vô cùng phức tạp với 15 nhà thầu chính.
Mặc dù Statoil khẳng định đến năm 2030, chi phí xây dựng trang trại điện gió nổi chỉ tương đương với trang trại điện gió truyền thống, tuy nhiên các chuyên gia nhận định giá thành năng lượng của Hywind với công suất tương đương sẽ cao gấp đôi.
Dự án Hywind nhận được sự trợ giúp của chính phủ dưới dạng giấy chứng nhận năng lượng tái tạo. Người phát ngôn của Statoil - Elin Isaksen, cho biết giá thành năng lượng từ Hywind hiện khoảng 140 bảng/megawatt giờ, tức là khá cao tại Anh, khi mà mặt bằng giá trung bình ở đây chỉ 48,75 bảng/megawatt giờ trong năm qua.
Hải Châu