Dù Temasek Holdings và GIC - hai tập đoàn hàng đầu của Singapore, vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng có ngày càng nhiều công ty khác mạnh dạn tiến hành những thương vụ “khủng” để tên tuổi nhà đầu tư Singapore được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới.
Tấm áo cũ đã chật
Việc nền kinh tế Singapore được dự đoán sẽ tăng trưởng trong năm 2019 với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2016 đang là một áp lực buộc các công ty trong nước phải tìm kiếm thêm cơ hội bên ngoài lãnh thổ.
Ông David Biller - Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp Đông Nam Á của Citigroup Inc., cho biết: “Chúng tôi thấy rõ mong muốn toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Singapore. Đội ngũ nhân lực trẻ trong các doanh nghiệp này được dìu dắt bởi các lãnh đạo giàu kinh nghiệm đa quốc gia và họ tập trung vào tăng trưởng xuyên biên giới”.
Citigroup đang tư vấn cho Singapore Technologies Engineering trong một thỏa thuận trị giá 630 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay của công ty, về việc mua lại một đơn vị sản xuất động cơ máy bay của General Electric.
CapitaLand đang trong quá trình tiếp nhận danh mục đầu tư khu căn hộ cho thuê tại Mỹ với chi phí bỏ ra là 835 triệu USD, một kỷ lục của tập đoàn này trong các giao dịch ở nước ngoài kể từ năm 2010.
Trong khi đó, Singapore Press Holdings - chủ sở hữu tờ Straits Times, tháng trước đã mua một số cơ sở lưu trú cho sinh viên ở Anh với số tiền 321 triệu đôla Singgapore (tương đương 234 triệu USD), cũng là một kỷ lục nội bộ.
Không chỉ có tổng giá trị giao dịch tăng lên mà số lượng các công ty Singapore tham gia hoạt động M&A cũng đông đảo hơn khi đóng vai bên mua trong 468 giao dịch thâu tóm “con mồi” nước ngoài trong 9 tháng đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, hoạt động M&A của cả thế giới tăng có 2%.
Ông Pankaj Goel - Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng đầu tư và thị trường vốn Đông Nam Á tại Credit Suisse Group, nhận định việc duy trì tăng trưởng hữu cơ ở một thị trường tương đối nhỏ như Singapore là khá khó khăn. Vì thế, quá trình nâng cao năng lực cũng như quy mô đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa.
Temasek Holdings - cánh chim đầu đàn trong xu thế M&A ra nước ngoài |
Thừa thắng xông lên
Theo một số chuyên gia, thị trường Trung Quốc đang có sức hút khá mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải thanh lý gấp tài sản để trả nợ và điều này mang tới cơ hội mua hàng giá hời cho các công ty Singapore, vốn đã rất am hiểu địa bàn.
Theo dữ liệu của Bloomberg, các công ty Singapore đã tham gia vào 68 thương vụ mua lại doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,5 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2017 là 3,8 tỷ USD (tương đương 1/5).
Cho đến nay, khoản đầu tư lớn nhất có bóng dáng doanh nghiệp Singapore vào một công ty Trung Quốc là thương vụ Ant Financial của tỷ phú Jack Ma, gọi được 14 tỷ USD có sự đóng góp của Temasek và GIC.
Một giao dịch lớn khác của Temasek là 3 tỷ euro hỗ trợ Bayer thôn tính đối thủ cạnh tranh Monsanto (của Mỹ). GIC cũng góp tay giúp Blackstone Group mua lại đa số cổ phần trong một công ty thành viên của Thomson Reuters chuyên về phân tích tài chính và rủi ro.
Nhiều năm qua, chính phủ Singapore liên tục khuyến khích các công ty trong nước mở rộng hoạt động ra nước ngoài để nâng cao hình ảnh và vị thế của quốc gia. GIC và Temasek chính là hai cánh chim đầu đàn trong xu thế này.
Đại diện của Temasek cho biết các công ty trong danh mục đầu tư của tập đoàn đều được quản lý độc lập và Temasek không can thiệp vào quá trình ra quyết định kinh doanh của những công ty đó.
Theo thời gian, một công ty phát triển hữu cơ lên tầm khu vực và thế giới và trong nhiều trường hợp, việc thâu tóm để mở rộng diễn ra một cách tự nhiên.
Theo bà Tay Ee Ching, phụ trách mảng M&A Đông Nam Á tại JPMorgan Chase & Co, khi mà động lực vẫn còn nóng hổi, các doanh nghiệp Singapore sẽ liên tục tìm kiếm công nghệ mới, nguồn lực tăng trưởng mới.
Xu hướng này sẽ tiếp diễn và nhà đầu tư Singapore dần dần có kinh nghiệm hơn, “sành sỏi” hơn trong việc săn lùng tài sản có giá trị ở nước ngoài.
Hải Châu