Mặc dù doanh nghiệp bán lẻ là đối tượng lạc quan nhất về tình hình kinh doanh nói chung trong hơn hai năm qua, song Brexit và những thay đổi mang tính cơ cấu trong dài hạn đang vẽ nên một triển vọng không mấy sáng sủa, theo khảo sát định kỳ hàng quý của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI).
Chán chường chờ Brexit
Chỉ số kế hoạch đầu tư CBI đã giảm từ –3 vào tháng 11/2018 xuống tận –33 trong tháng 2/2019, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2012, thời điểm nền kinh tế của Anh vẫn đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng còn đeo bám từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó.
Kết quả khảo sát CBI về tình trạng việc làm cũng thu được kết quả bết bát nhất kể từ tháng 8/2017, ở mức –30.
Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng doanh nghiệp có xu hướng tạm ngừng đầu tư khi Brexit vẫn như mớ bòng bong chưa thấy bóng dáng của một thỏa thuận thương mại khả dĩ nào giữa Anh và Liên minh châu Âu, cho dù thời hạn 29/3 đã cận kề…
Số liệu thống kê chính thức trong của quý IV/2018 cho thấy sự sụt giảm lớn nhất trong đầu tư kinh doanh nói chung kể từ năm 2010.
“Chừng nào các chính trị gia còn chưa thể nhất trí về một thỏa thuận được lòng đa số trong quốc hội, được EU chấp nhận và có khả năng bảo vệ nền kinh tế của chúng ta, thì tâm lý chán chường của doanh nghiệp sẽ ngày càng nặng nề hơn,” chuyên gia kinh tế Anna Leach cuar CBI nhận định.
Các hãng bán lẻ hiện phải đối mặt với cả thách thức cạnh tranh khốc liệt từ môi trường trực tuyến, dẫn đến một số công ty chậm thích ứng như Marks & Spencer hay Debenhams buộc phải đóng cửa, trong khi công ty đồ chơi danh tiếng Toys R Us UK và doanh nghiệp bán lẻ hàng điện tử Maplin tuyên bố ngừng hoạt động.
CBI cho biết tăng trưởng doanh số hàng tháng của ngành bán lẻ nước Anh trong tháng 2/2019 giữ nguyên ở mức 0 giống như tháng 1, tức là trên mức thấp nhất trong hai năm được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái nhưng vẫn dưới mức trung bình của phần lớn năm 2018.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của tháng 3 tới đây, giống như sự lạc quan từng có trong tháng 1.
Kể từ đó đến nay, thống kê chính thức cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp của lĩnh vực thời trang với hàng loạt chương trình giảm giá lớn hơn bình thường.
Khu mua sắm Oxford ở trung tâm London |
Ngóng tháng 3 lạc quan
Theo ông Samuel Tombs – chuyên gia của Pantheon Macroeconomics, dữ liệu của CBI thường kém lạc quan hơn so với con số chính thức. “Sự yếu kém tiếp diễn của kết quả doanh thu báo cáo trong tháng 2/2019 nên được nhìn nhận đúng đắn hơn”, ông Tombs nói.
Ông Tombs đồng thời nhắc đến việc điều kiện tài chính của người tiêu dùng Anh vẫn có sự cải thiện đáng kể cho dù kinh tế nói chung có chững lại trước Brexit. Tăng trưởng mạnh về tiền lương, công ăn việc làm được tạo ra liên tục và lạm phát thấp đang thúc đẩy chi tiêu, vị này bổ sung thêm.
Trong khi đó, theo hãng dữ liệu thị trường IHS Markit, khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) hàng tháng được thực hiện với các doanh nghiệp cho thấy kinh tế Anh tăng trưởng chỉ 0,1% trong quý IV/2018.
Với số liệu về PMI, tháng 11 và tháng 12/2018 là hai tháng chứng kiến lòng tin của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của nền kinh tế yếu nhất kể từ tháng 3/2009, gần với mức thấp được ghi nhận trong cuộc suy thoái gần đây nhất.
Hiện nay, chỉ có khoảng 10% hàng thực phẩm nhập khẩu của Anh phải chịu thuế. Nếu chỉ vì không đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu về Brexit mà Anh đánh mất cơ chế tối huệ quốc (MFN) của WTO thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng đáng kể và gây áp lực lên giá lương thực.
Tất nhiên, nước Anh có thể đặt thuế nhập khẩu ở 0% nhưng điều đó tác động mạnh mẽ đối với nông dân trong nước, một đối tác cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng của các siêu thị.
Hải Châu