Thông điệp của nhà lãnh đạo tương lai dường như chưa trúng đích so với sự chờ đợi của doanh nghiệp, trong bối cảnh có quá nhiều lo ngại về tình hình đầu tư và tăng trưởng kinh tế tại Anh.
Cứng rắn với DN vô trách nhiệm
Bà Andrea Leadsom, 53 tuổi và Theresa May, 59 tuổi là hai ứng viên cuối cùng chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội Anh. Nhận thấy đối thủ Theresa May có được nhiều sự ủng hộ hơn hẳn, bà Leadsom đã chủ động bỏ cuộc để đất nước sớm có người chèo lái, tránh lãng phí thêm hai tháng cạnh tranh không cần thiết.
Trước đó, trong một cuộc bỏ phiếu hôm 7/7, 60% số thành viên lập pháp đảng Bảo thủ tín nhiệm bà May, trong khi bà Leadsom chỉ giành được 25%.
Với việc đối thủ cạnh tranh trực tiếp dừng cuộc đua, bà May trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ là nữ Thủ tướng thứ hai của Anh, kể từ khi bà Margaret Thatcher nắm giữ chức vụ này từ năm 1979 đến 1990.
Là Bộ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách vấn đề an ninh, tội phạm và nhập cư, bà May được đánh giá là người cương quyết và mạnh mẽ. Tuy đã bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại EU, song kết quả không như ý, bà May từng khẳng định sẽ không tìm cách vớt vát đưa Anh trở về EU mà thay vào đó, tập trung phát huy những lợi ích của Brexit để “biến nguy thành cơ”.
![]() |
Theresa May - "bà đầm thép thứ hai" của nước Anh
Với tuyên bố “sẽ nghiêm khắc với những hành vi vô trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn” trong quá trình vận động tranh cử, ý định của bà May là tăng cường sự minh bạch thông qua đề xuất doanh nghiệp tổ chức lấy ý kiến thường niên của cổ đông về kế hoạch chi trả thù lao ban lãnh đạo và tăng cường sự hiện diện của người lao động trong thành phần hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, khi người phụ nữ sắp ngồi vào ghế Thủ tướng tuyên bố “doanh nghiệp lớn cần phải thay đổi”, không ít doanh nghiệp lại cảm thấy lo hơn là mừng. Họ đang cần thông tin rõ ràng hơn về tương lai mối quan hệ của Anh với EU chứ không phải chuyện nên vận hành nội bộ như thế nào.
Doanh nghiệp chờ thông tin trúng đích
Thông điệp của bà May chưa trúng đích so với họ chờ đợi, trong bối cảnh có quá nhiều lo ngại về tình hình đầu tư và tăng trưởng kinh tế như giai đoạn hiện nay.
Theo ông Tim Thomas - Giám đốc chính sách việc làm và kỹ năng tại Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất (EEF), “Chính phủ phải củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp bằng cách xác định quan hệ của Anh và EU với một thông điệp mạnh mẽ, tích cực về chính sách thương mại và nhập cư”.
Ông Thomas cho rằng Anh cần thu hút đầu tư nước ngoài để thành công bên ngoài EU, nhưng như vậy lại không khớp với quan điểm của bà May về việc cần bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm.
Một số ý kiến cho rằng chính phủ nên tham khảo ý kiến doanh nghiệp trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào. Đề xuất tăng sự hiện diện của người lao động trong hội đồng quản trị và việc phải công khai chênh lệch thù lao giữa lãnh đạo và nhân viên nên được thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Đề xuất tăng vai trò của người lao động trong các quyết sách của doanh nghiệp không phải điều gì quá mới mẻ ở nhiều nước EU khác. Tại Đức, luật pháp quy định tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị là đại diện người lao động có thể lên đến 50%. Theo thống kê của Viện Công đoàn châu Âu, Anh là một trong 10 nước EU vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề trên, cùng với các quốc gia vùng Baltic, Bỉ, Romania và Italia.
Một điều đáng chú ý nữa trong quan điểm của bà May là cổ đông công ty nên có tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định mức thù lao ban điều hành. Trong lĩnh vực này thì Anh lại đi nhanh hơn các nước châu Âu khác, với việc đã có quy định năm 2013, yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức bỏ phiếu tối thiểu 3 năm một lần. Một năm sau đó, Ủy ban châu Âu mới đề xuất các tiêu chuẩn tương tự, nhưng dự thảo luật vẫn đang mắc kẹt, khi Nghị viện châu Âu muốn lồng thêm vào các điều khoản về minh bạch, song lại bị một số nước phản đối.
Hải Châu