Theo tin từ Tân Hoa Xã, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã nhất trí chủ trương khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng được “bật đèn xanh” tự quyết nhiều hơn trong công tác phê duyệt các dự án không thuộc danh mục cấm, liên quan đến cảng container, sản xuất động cơ, giao thông đô thị và giao thông đường thủy nội địa. Dự kiến, khoảng 95% thủ tục đăng ký đầu tư sẽ được gỡ bỏ theo quy định mới.
Các khu vực thương mại tự do thí điểm như Thượng Hải, Quảng Đông, Thiên Tân và Phúc Kiến sẽ là những nơi đầu tiên triển khai.
Níu kéo lòng tin
Ngoài chủ trương “cởi trói” để khuyến khích đầu tư, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tận dụng các quy định đầu tư để đồng thời đạt được các mục tiêu về môi trường và kinh tế.
Cụ thể, những nhà máy sản xuất phương tiện chạy xăng sẽ không được thành lập mới. Các dự án trong một số ngành công nghiệp đã dư cung trầm trọng, như thép, than đá hay nhôm, cũng không được phê duyệt.
Đánh giá tích cực động thái trên của chính phủ Trung Quốc, song nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng thay đổi như vậy vẫn là chưa đủ để kéo lại lòng tin vốn dè dặt của nhà đầu tư ngoại tại thị trường đông dân nhất thế giới. Lâu nay, họ vẫn không ngớt phàn nàn về tình trạng rối rắm, thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật, tâm lý bài ngoại và cả sự dư thừa năng lực sản xuất. Một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc hồi đầu năm nay cho thấy, 77% số công ty được hỏi đã thừa nhận họ cảm thấy ít được chào đón hơn so với một năm trước. Tỷ lệ này của năm 2015 và 2014 chỉ lần lượt là 47% và 44%.
Thượng Hải là một trong những địa phương thực hiện thí điểm
Theo lời Chủ tịch James Zimmerman của Phòng Thương mại Mỹ, quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc sẽ làm được đến đâu so với những tuyên bố của mình. Ông cũng yêu cầu những nhà làm luật Trung Quốc phải thiết kế chính sách sao cho “công bằng, minh bạch và nhất quán”.
Trước chỉ trích ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc chạy theo số lượng, bán phá giá thị trường đến mức thấp hơn cả chi phí sản xuất, nước này cam kết sẽ cắt giảm 100 triệu tấn thép trong vòng 5 năm tới, cho dù con số đó chỉ tương đương khoảng 1/3 công suất dư thừa hiện nay.
Hai ngày trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đánh thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu của Trung Quốc.
Cú hích cho cả nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không có được kết quả tăng trưởng tốt trong năm nay, còn đầu tư tư nhân vào tài sản cố định chỉ tăng 2,1% trong suốt 8 tháng đầu năm (so với 21,4% của khu vực quốc doanh), Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp kích thích đầu tư nước ngoài để thu hẹp khoảng cách và giúp tạo cú hích cho kinh tế nói chung, nhằm thoát khỏi dự báo của nhiều chuyên gia về việc tốc độ tăng trưởng 2016 của nước này thậm chí còn có nguy cơ kém hơn cả năm 2015, năm ghi nhận mức tăng thấp kỷ lục suốt 1/4 thế kỷ qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 tháng của năm 2016 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,9 tỷ USD, chưa thấm vào đâu so với tốc độ tăng ở mức hai con số trong những năm trước.
Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Shen Danyang, phủ nhận ý kiến cho rằng môi trường đầu tư nước ngoài của Trung Quốc không thuận lợi. Thay vào đó, vị này quay sang đổ lỗi cho nhiều doanh nghiệp ngoại lợi dụng các chính sách ưu đãi để kiếm lời và khi môi trường trở nên cạnh tranh hơn thì gặp khó khăn là chuyện tất yếu.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn đi theo quan điểm cấm đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực ngoài danh mục mà nhà nước cho phép. Cách làm này bị một số quốc gia, trong đó có Mỹ, yêu cầu phải thay đổi theo hướng ngược lại, tức là mở cửa đầu tư trong bất kỳ lĩnh vực nào mà nhà nước không cấm.
Hải Châu